Kết nối việc làm cho lao động hồi hương
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân huyện Cư M’gar đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam ồ ạt trở về quê. Trong số hàng nghìn lao động hồi hương có không ít người chọn lập nghiệp ở quê nhà. Địa phương đã tích cực vào cuộc để hỗ trợ, kết nối việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân.
Những ngày này anh Trần Văn Hải ở xã Ea Kiết đang tranh thủ nguồn nước tưới cho hơn 5 sào cà phê của gia đình. Trước đây vợ chồng anh làm công nhân ở Bình Dương, mỗi tháng cũng được 7 - 8 triệu đồng/người. Khi dịch COVID-19 bùng phát đợt tháng 7/2021, Công ty ngừng hoạt động, cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng anh chị cũng quyết định chọn quê hương để trở về lập nghiệp. Vườn cà phê cho người khác thuê trước đó được gia đình lấy lại tiếp tục chăm sóc. Anh Hải chia sẻ: Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, vừa qua gia đình anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con bò giống, 5 con dê phát triển mô hình chăn nuôi. Tuy mức thu nhập bước đầu không cao bằng đi làm xa xứ nhưng anh Hải hy vọng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình sẽ đem lại thu nhập khá về sau.
Một số lao động hồi hương ở huyện Cư M'gar tranh thủ thời gian chờ xin việc tăng gia sản xuất cùng gia đình. |
Tròn 21 tuổi, anh Mai Xuân Quang (trú thị trấn Quảng Phú) đã có 2 năm theo nghề sửa chữa xe máy ở TP. Hồ Chí Minh. Những tháng cuối năm 2021, khi TP. Hồ Chí Minh bùng dịch COVID-19, Quang đã trở về quê. Đầu năm 2022, anh được chính quyền địa phương kết nối, giới thiệu vào làm nhân viên sửa chữa tại Cửa hàng xe máy Head Honda Trung Thạch 6 (địa chỉ 130 Hùng Vương, thị trấn Quảng Phú). Quang bộc bạch: “Tìm được một công việc ngay trên quê hương, gần gia đình, người thân là ước muốn lớn nhất của em. Môi trường làm việc phù hợp với chuyên môn, ngoài lương cố định 5 triệu đồng/tháng thì em còn được thêm thu nhập theo khối lượng công việc nên rất yên tâm và muốn gắn bó lâu dài tại địa phương”.
Em Mai Xuân Quang - một lao động hồi hương, nay đã có việc làm mới tại ở thị trấn Quảng Phú. |
Qua rà soát, huyện Cư M’gar có gần 12.450 lao động từ các tỉnh, thành có dịch trở về, trong đó, không ít người có nhu cầu lập nghiệp tại địa phương. Trước thực tế đó, ngành chức năng huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã chủ động khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, làng nghề, nghề phụ… để hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, cây, con giống giúp người lao động tiếp cận, phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống khi ở lại quê hương lập nghiệp.
Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar Trần Tiến Ngọc
|
Trong năm 2021, ở xã Quảng Tiến có 588 lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về. Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho hay, để góp phần đảm bảo an sinh cho những lao động có nhu cầu ở lại quê hương lập nghiệp, UBND xã đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện để tạo việc làm cho người dân. Mặt khác, quan tâm tạo điều kiện cho công dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ tìm việc làm; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để ổn định sản xuất, đời sống. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể của xã đã giải ngân trên 500 triệu đồng nguồn vốn vay xoay vòng hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế cho hàng chục hộ được vay. Với những cách làm đó, ngoài số lao động trở lại nơi làm việc cũ thì xã cũng hỗ trợ, giới thiệu, giải quyết việc làm mới cho khoảng 200 lao động hồi hương.
Ông Trần Tiến Ngọc, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho biết, đối với công tác chuyên môn, Phòng đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm bắt các thông tin cơ bản của người lao động hồi hương về công việc đang làm, thời gian thất nghiệp, nhu cầu việc làm mong muốn. Trong năm 2021, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tiến hành phỏng vấn, tuyển dụng trên 160 lao động địa phương. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người lao động chưa có việc làm, mất việc hoặc có việc làm nhưng không ổn định do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, để có cơ hội nghề nghiệp quay lại thị trường lao động.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc