Người lính Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế
Sau khi xuất ngũ, những người lính Cụ Hồ ở huyện M'Drắk vẫn phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, hăng say lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Năm 1996, sau khi xuất ngũ trở về địa phương và lập gia đình, ông Hồ Văn Trung, hội viên cựu chiến binh (CCB) thôn Quyết Thắng, xã Cư M’ta bắt tay vào phát triển kinh tế để thoát cảnh đói nghèo. Từng có kinh nghiệm làm nông nghiệp nhiều năm, ông Trung hiểu rằng nếu chỉ trồng các loại cây ngắn ngày, chi tiêu tiết kiệm thì nhiều lắm cũng chỉ đủ ăn. Vì thế, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng hơn 8 sào mía; tận dụng nguồn lá làm thức ăn chăn nuôi bò. Nhờ được bao tiêu sản phẩm, giá mía ổn định, cộng thêm kỹ thuật chọn giống, chăm sóc tốt và mở rộng thêm diện tích, kinh tế gia đình ông khá lên sau nhiều năm trồng mía.
Ông Hồ Văn Trung kiểm tra vườn tiêu. |
Năm 2017, từ nguồn vốn tích lũy, vợ chồng ông Trung vay mượn thêm để đầu tư cải tạo, xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con. Để mô hình phát triển bền vững, ông nghiên cứu, quy hoạch từng hạng mục xây dựng phù hợp theo từng khu vực chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Trước khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, ông tiến hành trồng 300 trụ tiêu, 400 gốc nhãn. Để chủ động nguồn nước, ông đào ao và đầu tư hệ thống tưới tự động giúp cây sinh trưởng tốt, tiết kiệm nước tưới. Sau khi cây ăn quả phát triển tốt, ông đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn bài bản, thông thoáng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ nguồn giống tự cung tự cấp, mỗi năm ông nuôi 180 - 200 con lợn thịt. Ông còn thường xuyên nghiên cứu, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng nên cây trồng và vật nuôi của gia đình phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, gia đình ông còn kinh doanh thêm tạp hóa và xay xát lúa. Hiện nay từ tất cả các nguồn, mỗi năm gia đình ông Trung có thu nhập trên 700 triệu đồng.
CCB Phan Trọng Kim vốn là cựu quân nhân thuộc Sư đoàn 308 (Quân đoàn I), đến năm 1986 thì xuất ngũ trở về quê hương Nghệ An. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, năm 1988 ông Kim đưa gia đình vào thôn 4, xã Ea Lai lập nghiệp. Ban đầu do không có đất đai sản xuất nên vợ chồng ông phải đi làm thuê, cuốc mướn mưu sinh.
Ông Phan Trọng Kim chăm sóc đàn dê. |
Năm 2005, ông Kim quyết định dồn toàn bộ số tiền dành dụm và vay thêm 30 triệu đồng từ ngân hàng mua đất trồng mía và trồng tiêu. Nhờ chọn giống thật kỹ, chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, những năm 2012 - 2017, diện tích mía, tiêu của gia đình ông Kim luôn phát triển tốt và đạt năng suất cao (mía đạt trên 80 tấn/ha, tiêu trên 5 tấn/ha); mỗi năm sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, ông Kim tiếp tục mua thêm đất, đầu tư hàng tỷ đồng mua hai xe ô tô tải, máy múc để phục vụ khâu làm đất, vận chuyển hàng hóa nông sản của gia đình và người dân trên địa bàn xã; chuyển đổi dần toàn bộ diện tích mía sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi, bò, nuôi dê thương phẩm. Trải qua 34 năm lập nghiệp trên quê hương thứ hai M'Drắk, đến nay, ông Phan Trọng Kim đã xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập từ 700 triệu đồng - 1 tỷ đồng mỗi năm từ 2 ha tiêu, 1 ha nhãn, 1 ha cà phê kết hợp chăn nuôi dê, bò và dịch vụ vận tải; tạo thu nhập ổn định cho 6 lao động nông thôn và 20 lao động thời vụ.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Kim còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con lối xóm; trao tặng 300 cây giống, 4 con dê sinh sản cho 4 hộ nghèo để làm vốn sản xuất. Năm 2018, ông Kim chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Ea Lai thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả “Tiên Phong” gồm 16 thành viên do ông làm chủ nhiệm, bước đầu đi vào hoạt động ổn định. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hiến hơn 120 m2 đất để làm đường; hằng năm tự bỏ kinh phí hơn 10 triệu đồng để san lấp mặt đường giúp bà con trong thôn đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi vào mùa mưa.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc