Multimedia Đọc Báo in

Nhiều bất cập trong đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp

08:06, 16/03/2022

Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là một hình thức đấu giá mới được quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, việc các tổ chức đấu giá tài sản triển khai hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp (chủ yếu đối với tài sản đấu giá là đất đai) đã mang lại một số hiệu quả tích cực như: Bảo mật thông tin cho người tham gia đấu giá; khắc phục được tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” tại các địa điểm tổ chức đấu giá; giảm thất thoát giá trị tài sản đấu giá; tăng tỷ lệ giá bán so với giá khởi điểm; việc đấu giá được tổ chức đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả hơn đấu giá trực tiếp.

Tuy nhiên, một số quy định về hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá tài sản trong quá trình thực hiện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại khoản 2 Điều 43 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu phải được niêm phong khi hết thời hạn nhận phiếu”. Song, mẫu phiếu trả giá và cách thức thực hiện việc niêm phong thùng phiếu như thế nào lại không được quy định cụ thể, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu. Có đơn vị yêu cầu nội dung phiếu trả giá rất cụ thể, kỹ lưỡng song cũng có đơn vị thì nội dung phiếu trả giá sơ sài... Tương tự như vậy, việc niêm phong thùng phiếu cũng không có quy định trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể, dẫn đến có đơn vị thực hiện rất chặt chẽ, lập biên bản niêm phong thùng phiếu, mời người có tài sản đấu giá, đại diện một số người đăng ký tham gia đấu giá chứng kiến, ký tên vào biên bản niêm phong, ký tên vào giấy niêm phong dán trên miệng thùng phiếu để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhưng có đơn vị chỉ thực hiện niêm phong bằng cách tự dán giấy có đóng dấu của tổ chức mình tại miệng thùng phiếu khi hết thời hạn nhận phiếu mà chẳng có khách mời nào chứng kiến việc niêm phong. Chính vì thiếu những quy định cụ thể này nên dẫn đến một số trường hợp phải tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá vì người tham gia buổi công bố giá khiếu nại, không đồng ý với việc niêm phong thùng phiếu mà không có chữ ký của người đăng ký tham gia đấu giá trên các giấy niêm phong thùng phiếu.

Một bất cập nữa là vướng mắc trong việc quy định thời hạn nộp phiếu trả giá. Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Đấu giá tài sản thì: “Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được nhận phiếu trả giá, hướng dẫn về cách ghi phiếu, thời hạn nộp phiếu trả giá và buổi công bố giá”. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về thời hạn nộp phiếu trả giá. Trên thực tế, một số đơn vị quy định thời hạn nộp phiếu trả giá kết thúc trước thời hạn nộp tiền đặt trước (tiền đặt cọc), một số đơn vị lại quy định thời hạn nộp phiếu trả giá kết thúc cùng với thời hạn nộp tiền đặt trước. Đối chiếu với các quy định có liên quan về điều kiện tham gia đấu giá, có thể thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản thì: “Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…”.

Cần sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc để phát huy được hiệu quả của hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ.

Song Luật Đấu giá tài sản lại không quy định, giải thích hồ sơ tham gia đấu giá bao gồm những giấy tờ, văn bản nào, có bao gồm phiếu trả giá trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp hay không? Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản: “Tổ chức đấu giá tài sản … tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày” và theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản thì: “Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá...”. Từ các quy định trên có thể thấy, trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp thì người tham gia đấu giá phải tuân thủ nhiều các cột mốc về thời gian khác nhau, đó là thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền đặt trước, thời hạn nộp phiếu trả giá, thời gian tham dự buổi công bố giá. Mặt khác, vì Luật Đấu giá tài sản không quy định về thời hạn nộp phiếu trả giá, do đó, nếu người đăng ký tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, nộp phiếu trả giá và sau đó mới thực hiện việc nộp tiền đặt trước vẫn đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, điều này có thể đem lại nhiều hệ lụy xấu khi không có ràng buộc trách nhiệm nộp tiền đặt trước với quyền nộp phiếu trả giá của người tham gia đấu giá.

Thứ ba là vướng mắc trong việc xử lý tiền đặt trước khi tiến hành đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Tại điểm a khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng”. Như vậy, phải chăng pháp luật chưa dự liệu đến trường hợp tổ chức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp nếu trong trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước và tham gia buổi công bố giá nhưng không nộp phiếu trả giá thì có được coi là không tham gia cuộc đấu giá hay không và có không được nhận lại tiền đặt trước theo quy định trên hay không? Các tổ chức đấu giá tài sản sẽ phải xử lý như thế nào đối với trường hợp này để đảm bảo đúng quy định pháp luật và không gặp phải khiếu nại từ người tham gia đấu giá? Trong trường hợp này, nếu tiền đặt trước không bị xử lý thì sẽ tạo kẽ hở cho việc thông đồng, dìm giá tài sản. Các đối tượng “cò đấu giá” sẽ cố ý không bỏ phiếu trả giá hoặc có thể “đe dọa” không cho những khách hàng khác nộp phiếu trả giá để có thể dàn xếp việc trúng đấu giá.

Vũ Thị Minh Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.