Multimedia Đọc Báo in

Vụ hồ tiêu năm 2022: Niềm vui chưa trọn

06:26, 09/03/2022

Đắk Lắk đang bước vào vụ tiêu mới, mặc dù giá tiêu có tăng nhưng năng suất lại giảm mạnh từ 30 - 50% so với năm ngoái khiến niềm vui của người dân không được trọn vẹn.

Được giá, mất mùa

Giá tiêu đang trên đà phục hồi ngay từ khi bắt đầu thu hoạch vụ mới khiến hầu hết nông dân đều phấn khởi sau gần 5 năm rơi vào khủng hoảng vì giá lao dốc. Hiện mức giá hồ tiêu được các đại lý trên địa bàn tỉnh thu mua dao động khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg khô (giá ngày 8/3). Dù không thể so sánh với thời hoàng kim của “vàng đen” nhưng đối với nhiều nông dân thì đây là mức giá có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài nên cây hồ tiêu ra hoa không đồng đều, lại gặp mưa khiến năng suất một số nơi giảm.

Huyện Ea H’leo - vùng trọng điểm hồ tiêu của tỉnh, với hơn 7.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea H’leo, Ea Wy, Ea Sol, Ea Ral… cũng đang bước vào vụ thu hoạch chính. Dù giá tăng cao nhưng năng suất nhiều vùng lại giảm khá mạnh. Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo) cho biết, HTX hiện có khoảng 20 ha hồ tiêu, năm nay năng suất tiêu giảm mạnh, mất khoảng 2/3 sản lượng. Dự kiến năm nay HTX chỉ thu được khoảng 30 - 40 tấn, trong khi năm ngoái đạt trên 100 tấn.

Huyện Cư Kuin cũng rơi vào tình trạng tương tự, các hộ trồng tiêu cho hay, sản lượng vụ 2022 giảm, có khu vực giảm hơn 40%, một số hộ được mùa nhưng tỷ lệ không nhiều. Nguyên nhân chính là do mưa sớm năm 2021.

Thu hoạch tiêu tại một hộ dân trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Với 1 ha tiêu trồng xen cà phê, vụ tiêu năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Mạo (thôn 11, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) chỉ thu được khoảng trên 1 tấn, trong khi năm ngoái thu được 3 tấn. Giá tiêu hiện đang khá tốt, nếu không mất mùa thì nông dân đã rất vui. Ở gần đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoa (thôn 11, xã Ea Tiêu) cũng đang thu hoạch 7 sào tiêu. Ông Hoa cho biết, năm nay chỉ thu được gần 2 tấn, trong khi năm ngoái thu được 4 tấn. Hiện giá tiêu có tăng nhưng sản lượng lại thấp, trong khi cái gì cũng tăng cao nên nông dân cũng kém vui vì tính ra lợi nhuận cũng không được nhiều.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tại các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên cho thấy, sản lượng hồ tiêu sụt giảm khắp các vùng trồng tiêu trọng điểm. Tính chung cả nước dự kiến sản lượng sụt giảm khoảng trên dưới 10%. Trong đó, riêng hai huyện Cư Kuin và Cư M’gar của Đắk Lắk được đánh giá sơ bộ là giảm mạnh nhất, có nơi giảm đến hơn 40%.

Khan hiếm nhân công

Đắk Lắk hiện có 33.100 ha hồ tiêu, các địa phương đang bước vào đợt thu rộ, dự kiến cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 cơ bản sẽ kết thúc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân công thu hoạch tiêu cũng khiến nhiều hộ dân “đau đầu”.

Theo các hộ trồng tiêu cho biết, chi phí nhân công tính theo ngày dao động ở mức cao, trung bình 200.000 - 220.000 đồng/ngày công; tính theo công khoán 4.000 đồng/kg tiêu tươi. Việc lựa chọn phương thức tính công cũng trở thành bài toán đau đầu đối với nhiều nông dân vì nếu tính theo ngày thì năng suất hái không đạt, còn tính theo cân thì khả năng ảnh hưởng đến sản lượng vụ tiêu năm sau do nhân công hái cả cành và lá. Mặc dù giá công cao hơn năm ngoái nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu lao động. Điều này khiến nông dân lo lắng khi lượng tiêu đã chín nhưng không được thu hái kịp sẽ ảnh hưởng đến vụ tiêu năm sau.

Thu hoạch hồ tiêu tại hộ bà Nguyễn Thị Mạo ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin).

Bà Nguyễn Thị Mạo cho hay, từ đầu vụ đến giờ hai mẹ con bà phải tranh thủ hái dần những trụ tiêu chín trước vì năm nay không có nhân công để thuê, mặc dù giá công hái cao, công khoán đến 4.000 đồng/kg tiêu tươi (công ngày là 220.000/ngày) mà chưa ai đồng ý hái. Hiện những vườn xung quanh đã chín nhiều nhưng vẫn chưa thuê được công hái, nhà không có người đành phải chờ.

Theo ông Nguyễn Đắc Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), nhiều năm qua, công lao động phổ thông ở nông thôn ngày càng ít. Trong khi công việc hái tiêu thường gặp nhiều nguy hiểm hơn vì cây tiêu ở vùng này được người dân trồng trên trụ sống, leo tận trên cao (trung bình từ 9 - 10 m) nên người hái tiêu cũng ngại leo trèo, lại phải mất thời gian di chuyển thang để hái tiêu từ gốc này qua gốc khác nên dù giá có tăng cao nhưng việc tìm kiếm nhân công hái tiêu vẫn rất khó khăn. Với giá vật tư đầu vào, nhân công đang tăng mạnh thì với giá bán tiêu hiện tại, nông dân chỉ có lợi nhuận khi sử dụng lao động gia đình.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, chu kỳ tăng giá từ năm 2020 đang khuyến khích nông dân tiếp tục duy trì và chăm sóc tốt các vườn tiêu hiện tại. Người nông dân cũng đã tự nhận thức được xu hướng chuyển đổi canh tác theo hướng sạch và bền vững. Đây là điểm sáng cho chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong tương lai. Trong giai đoạn tới, khả năng diện tích trồng mới không nhiều do tâm lý sợ sau đợt khủng hoảng giá cùng với tác động do sâu bệnh và thời tiết trong khi đất trồng mới cũng không còn để mở rộng canh tác. Các vườn tiêu chết hiện đã được trồng xen hoặc chuyển đổi sang cây ăn trái, phổ biến là sầu riêng, bơ, mít. Cũng cần lưu ý thêm là diện tích các vườn tiêu già đang gia tăng đi kèm là cơn sốt bất động sản, dự án điện gió nên tại một số vùng diện tích vườn tiêu giảm.

Để hồ tiêu phát triển bền vững, Hiệp hội đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX… đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn canh tác cho nông dân, đồng hành với nông dân trong quá trình canh tác từ khâu trồng đến khâu thu hoạch khi tiêu bắt đầu vào vụ mới.

Theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy, tiêu tồn kho của các năm trước hiện vẫn còn nhiều, tập trung ở các hộ và đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh. Lực lượng này có thể tăng cường lượng hàng trữ trong bối cảnh hồ tiêu đang ở chu kỳ tăng giá và hạn chế bán ra thị trường. Thực tế này có thể xảy ra nguy cơ tăng giá ảo như năm trước.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.