Đắk Lắk cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
“Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cam kết sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương”. Đó là khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022.
Sẵn sàng "trải thảm đỏ”
Với chủ đề “Thu hút đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp của Đắk Lắk. Đây là dịp để Đắk Lắk giới thiệu về dư địa đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, khảo sát, trao đổi, bàn thảo về khả năng hợp tác và nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản tại Đắk Lắk.
Đắk Lắk hiện sở hữu vùng trồng cây công nghiệp rộng lớn, với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: trên 210.000 ha cà phê; 34.000 ha cao su; 32.000 ha hồ tiêu. Đắk Lắk còn được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, với trên 14 triệu con gia súc, gia cầm. Riêng chăn nuôi lợn, Đắk Lắk đứng thứ 7 cả nước về quy mô đàn; chăn nuôi gà đứng thứ 10 cả nước về số lượng. Ngoài ra, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến đều là những lĩnh vực chưa được khai thác hết. Đây là tiềm năng để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, tập trung, quy mô lớn, tích hợp đa giá trị.
Đắk Lắk cũng nhìn nhận thẳng thắn, trong những năm qua, những lợi thế so sánh này chưa được khai thác tốt ở các lĩnh vực để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là những hạn chế của ngành nông nghiệp nhưng cũng chính là dư địa thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Đắk Lắk để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Đắk Lắk. Ảnh: Thuận Tuyết |
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết, tỉnh đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện. Với mong muốn huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, tỉnh đã thể hiện quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 có 6 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN DakLak; Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp kết hợp trồng cây công nghiệp, nông nghiệp; Nhà máy chế biến trái cây; Trang trại chăn nuôi tập trung lợn giống Star Farm Dak Lak; Trang trại chăn nuôi lợn thịt Tasico Ea Sô; Nhà máy ấp trứng gia cầm tại Đắk Lắk. |
Để củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư, Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản quan trọng và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, ưu đãi đầu tư. Đắk Lắk đã khẳng định: Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư; sẵn sàng “trải thảm đỏ” trân trọng mời gọi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư lâu dài, với phương châm “Các nhà đầu tư đầu tư tại Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Đắk Lắk”.
Kỳ vọng từ các dự án
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 có 6 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, tổng số vốn gần 1.100 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với 24 dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; chế biến nông, lâm sản; chế biến trái cây, dược liệu, thức ăn gia súc; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; logistics, với tổng mức đầu tư dự kiến 25.672 tỷ đồng.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Châu Á cho biết, ông rất vui mừng vì Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN DakLak của Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn được trao Quyết định chủ trương đầu tư trong dịp này. Khu vực Tây Nguyên sở hữu những lợi thế về khí hậu, đất đai cùng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ phù hợp với chiến lược phát triển chuỗi dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam.
UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp. Ảnh: Thuận Tuyết |
Trong thời gian tới, Tập đoàn De Heus sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và cải thiện đời sống của không chỉ người nông dân, người kinh doanh mà còn là toàn thể người tiêu dùng Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định việc thực hiện cam kết của tập đoàn trong sứ mệnh nâng tầm chuỗi giá trị đạm động vật ở Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần đưa thực phẩm sạch, an toàn với giá cả phải chăng đến gần hơn với người tiêu dùng.
Là một trong những doanh nghiệp có dự án được UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, với những lợi thế so sánh nổi bật trong phát triển nông nghiệp của Đắk Lắk, Doveco nói riêng và các doanh nghiệp trong Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói chung rất mong muốn đầu tư phát triển mạnh tại Đắk Lắk vùng chế biến rau quả trọng điểm theo định hướng “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”. Trước mắt, Doveco có nhu cầu diện tích trồng trọt khoảng 10.000 ha, triển khai dưới hình thức ký hợp đồng liên kết phát triển nguyên liệu với các HTX, thương lái, bà con nông dân, các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh, và cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm cho các bên tham gia. Phương châm xuyên suốt trong quá trình phát triển của Doveco là tạo ra chuỗi giá trị, trong đó mắt xích quan trọng là xây dựng được mối liên kết chặt chẽ, sâu rộng, bền vững với bà con nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu hiện đại, chất lượng cao, và đặc biệt là không ngừng nâng cao đời sống của người lao động.
"Mong mỏi lớn nhất của Doveco là xây dựng và sở hữu được vùng nguyên liệu rộng lớn, bảo đảm cung cấp thường xuyên cho nhà máy chế biến. Tại Đắk Lắk, khi hợp tác xây dựng thành công được vùng nguyên liệu, Doveco có thể đầu tư dây chuyền chế biến với công suất hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm. Trong đó, tập trung vào dây chuyền cô đặc (như dứa, bơ, chanh leo), dây chuyền sản xuất ngô ngọt hiện đại để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, Trung Đông…", ông Đinh Gia Nghĩa chia sẻ.
Để khai thác hiệu quả cao nhất các tiềm năng, dư địa ở các lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mong muốn Đắk Lắk và các nhà đầu tư vào nông nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh, hằng năm đề xuất danh mục các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh…
Minh Thuận - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc