Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nuôi heo giảm đàn
Nhiều người chăn nuôi ở huyện Cư M’gar cho rằng, nuôi heo thời điểm này, nếu không chủ động được con giống thì chẳng có lãi, thậm chí còn lỗ vốn. Việc nuôi heo đang đứng trước nhiều khó khăn nên họ chủ động giảm đàn.
Đội thêm nhiều chi phí
Trang trại của anh Lê Anh Đức (thôn 3, xã Ea Kpam) đang nuôi hơn 10 con heo nái và 90 con heo thịt. Nhờ đầu tư trang trại chăn nuôi bài bản, bán tự động nên heo ít bệnh, chóng lớn. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến thu nhập từ nghề nuôi heo bị “co hẹp” lại. Anh Đức cho hay, lứa heo này đã giảm 60% số lượng so với các lứa trước. Chi phí chăn nuôi tăng cao khiến việc nuôi heo gặp khó khăn nên anh chủ động giảm đàn. Anh nhẩm tính, sau khi trừ hết chi phí, anh lãi khoảng 300.000 đồng/con. Đó là anh còn chủ động được heo giống. Sau lứa heo này, anh Đức cũng không có ý định tăng đàn vì giá thức ăn liên tục tăng cao, anh lo sẽ không có lãi.
Tương tự, ông Vũ Văn Khoái (tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú) có 4 con heo mẹ và 30 heo thịt. Mới đây, ông xuất chuồng lứa heo với giá 50.000 đồng/kg heo hơi, nếu tính cả công nuôi thì không có lãi. Ông chia sẻ, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và với mức giá quá cao như hiện nay khiến người chăn nuôi khó ổn định sản xuất. Chưa kể, khi xuất bán, thương lái o ép, việc bán ra không thuận như trước, nhưng giá nào thì người nuôi cũng phải bán vì heo lớn rồi, không thể để lại lâu hơn được nữa.
Chăn nuôi heo tại hộ ông Vũ Văn Khoái (tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú) gặp khó do chi phí tăng cao. |
Hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi, nay gặp chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có khiến việc khôi phục sản xuất của họ gặp nhiều trở ngại.
Sự mất cân đối giữa chi phí đầu tư và giá xuất bán khiến người chăn nuôi heo đang chịu áp lực lớn. Theo tính toán của người chăn nuôi, một con heo giống mua về giá đã 1 - 1,2 triệu đồng. Nuôi 4 tháng xuất chuồng, riêng tiền thức ăn chăn nuôi đã hết gần 3 triệu đồng, cộng thêm tiền tiêm vắc xin phòng bệnh, công chăm sóc... thì chi phí đội thêm nhiều. Trong khi đó, giá heo hơi gần đây duy trì ở mức khá thấp, từ 50.000 - 52.000 đồng/kg. Với mức giá này, chỉ những trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoặc chăn nuôi nông hộ tự sản xuất được con giống thì mới thu về lợi nhuận ở mức thấp hoặc huề vốn.
Người chăn nuôi chồng chất khó khăn
Những ngày qua, nhiều cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện khá vắng khách, không còn cảnh nhộn nhịp như trước đây. Nhiều người bán mặt hàng này cho hay, mấy tháng nay, khách đến mua thức ăn gia súc, gia cầm thưa hẳn. Sức mua đã sụt giảm 60% so với thời gian trước.
Nguyên nhân là do từ đầu tháng 4, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng 7.000 - 8.000 đồng/bao (loại 25 kg), đẩy người chăn nuôi vào thế khó. Trên thị trường, loại bao 25 kg đối với cám viên dành cho heo có giá 350.000 đồng/bao, một số loại thức ăn đậm đặc khác thì giá lên đến 540.000 đồng/bao. Giá các loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi vẫn đang tiếp tục tăng cao do giá nguyên liệu nhập khẩu và các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng.
Chị Phạm Thị Hoan, chủ Đại lý thức ăn chăn nuôi Đại Dương (thị trấn Quảng Phú) cho biết, từ ngày 16/2 đến nay, giá nhiều loại thức ăn chế biến sẵn phục vụ chăn nuôi đã có 3 đợt tăng giá với tổng cộng 25.000 - 30.000 đồng/bao (loại 25 kg). Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là khách quen của cửa hàng đã chủ động giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng trại vì giá thành sản xuất bị đẩy lên, nuôi heo không có lãi như trước.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. |
Huyện Cư M’gar có số lượng đàn heo khoảng 25.000 - 28.000 con. Địa phương này có 12 trang trại chăn nuôi tập trung, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, không có điều kiện thực hiện chăn nuôi cách ly an toàn sinh học. Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục tái phát và xảy ra ở 14 hộ chăn nuôi thuộc 14 thôn, buôn trên địa bàn 8 xã, thị trấn. Huyện đã tiêu hủy là 148 con heo mắc bệnh với tổng trọng lượng 10.019 kg.
Thời điểm hiện tại, người nuôi heo còn đối diện với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng cao khiến họ không mặn mà với việc tái đàn. Những hộ lấy chăn nuôi làm nghề chính thì chủ động giảm đàn để tránh thua lỗ. Theo tính toán sơ bộ, tổng đàn heo hiện tại trên địa bàn đã giảm hơn 10% so với trước.
Địa phương đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi như: thường xuyên kiểm tra, giám sát và vận động người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng các bệnh mùa vụ cho đàn gia súc của mình. Trong quý I/2022, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã tiêm 3.550 liều vắc xin dịch tả heo cho các trang trại chăn nuôi; phối hợp kiểm soát các hoạt động vận chuyển động vật ra, vào địa bàn, làm tốt kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật. Đồng thời, khuyến khích bà con đầu tư chăn nuôi an toàn với dịch bệnh, chủ động con giống để giảm nỗi lo về chi phí và chất lượng con giống. Đặc biệt, vận động người nuôi heo chủ động thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn, đầu tư chuồng trại khép kín giảm rủi ro và thua lỗ.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc