Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Nhiều nông hộ thiệt hại nặng vì bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu

07:59, 17/04/2022

Huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn của tỉnh với tổng diện tích lên đến gần 4.790 ha, trong đó có 2.354 ha hồ tiêu được trồng xen canh trong các vườn cà phê, tập trung chủ yếu tại các xã Quảng Tiến, Cư Suê, Ea Tar, Quảng Hiệp, Ea M’droh, Ea Kiết, Cư Dliê M’nông…

Bệnh chết nhanh, chết chậm đối với cây tiêu bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Cư M’gar từ hơn 10 năm trước, bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Hiện nay, dù bệnh xảy ra trên diện tích không tập trung, rải rác nhưng vẫn gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ trồng tiêu. Phần lớn các diện tích này chủ yếu là những trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh, khai thác nên đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng vườn tiêu, kéo theo đó thu nhập của người dân cũng bị sụt giảm đáng kể.

Như gia đình chị H’Riêng Niê ở buôn M’Lăng (xã Ea Tar) có nhiều diện tích tiêu đã bị chết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Để khống chế dịch bệnh phát triển và lây lan, gia đình chị H’Riêng đã tìm đủ mọi biện pháp để điều trị nhưng đều không mang lại hiệu quả, bởi bệnh này lây lan rất nhanh và cây tiêu ở độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Chỉ trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, vườn tiêu 400 trụ của gia đình chị đã trở nên xơ xác, hơn 60% số trụ tiêu bị chết trụi.

Chị H’Riêng than thở: “Vườn tiêu của gia đình bị chết liên tục, không thể điều trị được. Giờ trong vườn chỉ còn 150 trụ tiêu; sản lượng thu hoạch từ 1 tấn/năm giờ chỉ còn 4 tạ”.

Vườn tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn Thạch Sơn (xã Ea M’droh) cũng bị thiệt hại nặng từ bệnh chết nhanh, chết chậm. Mặc dù chị đã tìm hiểu, học hỏi và áp dụng khá nhiều biện pháp để cứu chữa vườn tiêu nhưng cũng đành bất lực nhìn cây chết từng ngày. Vườn tiêu hơn 300 trụ của gia đình chị Phượng đã bị “xóa sổ”…

Chị buồn bã cho biết: “Gia đình tôi bỏ ra 70 triệu đồng đầu tư vườn tiêu, được một mùa thu chính là chết sạch trơn”.

Dù đã sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị nhưng vườn tiêu của chị H’Riêng vẫn chết hàng loạt.

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi thì nguyên nhân khiến bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát gây hại nặng trên cây hồ tiêu là do nông dân ồ ạt tự phát trồng tiêu thời điểm giá tăng cao nhưng áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc không đúng cách. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh, hay phát hiện bệnh chậm; đến khi bộ rễ cây đã bị nấm bệnh gây hại nặng làm tán lá có biểu hiện vàng, rụng lá... mới tiến hành phòng trừ bệnh thì không còn hiệu quả nữa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người trồng hồ tiêu, những năm qua ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương tập huấn, tuyên truyền người dân chuyển đổi phương thức canh tác; khuyến cáo nông dân khi trồng cần phải chọn giống tiêu tốt, khỏe, ít nhiễm bệnh, canh tác trên vùng đất phù hợp; thường xuyên vệ sinh vườn và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cây hồ tiêu… Đồng thời, định hướng cho nông dân liên kết trong sản xuất, từng bước hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến phát triển cây hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc