Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh làm giàu từ nhãn

08:05, 13/04/2022

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhị quê ở huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên). Năm 1999, ông cùng gia đình chuyển đến thôn 7 (xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) lập nghiệp. Ông là tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.

Những năm đầu trên vùng đất mới, kinh tế gia đình ông Nhị gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy vùng đất mới rất phù hợp với giống nhãn hương chi, ông Nhị về quê đưa loại cây trồng này vào trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào vườn của gia đình.

Ông Nhị cho biết, muốn cây nhãn hương chi phát triển tốt, phải thường xuyên chăm sóc, thăm nom vườn cây, như: tỉa cành, tỉa mầm, bón phân đúng liều lượng, kỹ thuật; tưới nước theo thời gian đậu trái, nếu chưa ra trái thì tưới ít hơn so với thời gian cây ra trái; khi trái chín màu sẽ chuyển sang vàng nâu, nên hái trái vào ban ngày khi trời mát, rồi bảo quản nơi thoáng mát…

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhị chăm sóc giống nhãn mới cho ra trái quanh năm.

Sau hơn 20 năm trồng, giờ đây khi vườn nhãn bắt đầu già cỗi, ông Nhị lại về quê tìm những giống nhãn mới, học hỏi thêm kỹ thuật trồng nhãn để áp dụng vào sản xuất. Đến nay, ông Nhị đã trồng thành công một giống nhãn mới được nhân giống từ giống nhãn hương chi nổi tiếng của quê hương, cho năng suất, hiệu quả cao.

 

"Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhị còn là người luôn đi đầu trong các phong trào, thường xuyên đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm vào sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương, giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo''.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Krông Búk Nguyễn Hải Sâm

Nếu giống nhãn cũ, với diện tích 1 sào ông Nhị trồng từ 30 - 40 cây, thì với giống nhãn hương chi mới, ông trồng từ 50 -  60 cây, tùy theo địa hình. Chăm sóc đúng kỹ thuật thì sang năm thứ 2, cây sẽ cho thu bói khoảng 1 tạ/cây/năm. Đặc biệt, ông Nhị đã áp dụng thành công kỹ thuật làm giống nhãn hương chi mới cho ra trái quanh năm, nên vườn nhãn của ông lúc nào cũng xum xuê, luôn có thương lái vào thu hoạch, đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết, ngày 15, mồng 1 (âm lịch) hằng tháng. Bên cạnh đó, ông Nhị cũng nghiên cứu, chiết cành, bán giống và tư vấn kỹ thuật trồng nhãn cho mọi người.

Chỉ với 1 sào nhãn, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông Nhị thu được hơn 200 triệu đồng, từ đó kinh tế gia đình ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, với uy tín của mình, ông Nhị được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Krông Búk. Ông Nhị trò chuyện: "Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, vừa có nhiều thời gian tham gia tốt công tác tại địa phương, giúp đỡ nhiều nông dân cùng phát triển kinh tế".

Vì vậy, ông Nhị đã tận tình hướng dẫn cho nhiều người trong và ngoài xã kỹ thuật trồng nhãn hương chi. Nhờ đó nhiều mô hình trồng nhãn tại xã đã phát triển xanh tốt. Đơn cử như vườn nhãn của ông Đặng Văn Mười ở thôn 10 (xã Krông Búk) rộng khoảng 2 sào nằm ở vùng đất thấp nên đợt lũ lụt cuối năm 2021 vừa qua đã bị ngập cả vườn cây, tưởng phải chặt bỏ. Nhưng với sự hỗ trợ kỹ thuật của ông Nhị, ông Mười đang từng bước khôi phục lại vườn nhãn, không phải chặt, bỏ và bắt đầu cho thu bói.

Gia Bảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.