Ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm OCOP
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị thị trường, thời gian gần đây, nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm đầu hoạt động, trang trại chăn nuôi dê lấy sữa của anh Nguyễn Văn Hải (SN 1984, ở thôn 16, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) gặp không ít khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm sữa dê. Năm 2020, anh Hải bắt đầu ứng dụng công nghệ số trong quản trị chăn nuôi, quản trị marketing, xây dựng hình ảnh trên các trang mạng điện tử, từ đó đã có nhiều đơn hàng, bạn hàng khắp cả nước tìm đến. Đến nay, anh đã xây dựng thành công thương hiệu Sữa dê Ban Mê Farm với các loại sản phẩm chính như sữa tươi thanh trùng, bánh flan, sữa chua… được kiểm nghiệm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh.
Anh Nguyễn Đình Vạn (thứ hai từ trái sang), hộ kinh doanh ở xã Cư Kpô (huyện Krông Búk) giới thiệu về sản phẩm cà phê OCOP của gia đình. |
Theo kinh nghiệm của anh Hải, thị trường bán lẻ truyền thống đã bão hòa, nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh muốn mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cần phải hòa mình vào dòng chảy của nền tảng số. Do đó, ngay khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đơn vị đã sử dụng các phần mềm PostMart, VCCI... để bán hàng. Nhờ đó đã từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, gỡ khó trong vấn đề đầu ra, tăng sản lượng bán hàng bình quân mỗi tháng từ 100 lít lên trên 500 lít, doanh thu đạt 50 triệu đồng.
Hiện nay, Đắk Lắk đã phát triển được 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt hạng 3 sao. 100% sản phẩm OCOP được cơ quan chuyên môn hỗ trợ cấp mã QR truy xuất nguồn gốc, gắn tem mác, đảm bảo tính minh bạch, công khai và ổn định giá thành sản phẩm. |
Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản. Năm 2019, anh Nguyễn Đình Vạn (SN 1989, chủ hộ kinh doanh ở thôn Kty 5, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) đã nghiên cứu cho ra đời 2 sản phẩm Cà phê nguyên chất 100% Hoa Sữa và Cà phê hạt rang chất lượng cao Krông Búk được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao từ năm 2021. Trước đây, anh Vạn chủ yếu bán hàng theo hình thức trực tiếp, tìm kiếm nguồn khách qua các sự kiện, hội thảo kết nối cung cầu. Tuy nhiên, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng nên anh đã chuyển sang bán hàng online thông qua việc thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội; xây dựng, khai thác website, marketing bán hàng. Với hình thức bán hàng mới, sản phẩm OCOP của anh Vạn đã khẳng định thương hiệu, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Anh Vạn cho biết, khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm cà phê của anh đều được hỗ trợ cấp mã vạch, tem truy xuất… giúp khách hàng dễ dàng truy cập để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, quy trình chế biến sản phẩm. Nhờ đó, mức độ tín nhiệm của khách hàng với sản phẩm được nâng cao. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm của gia đình anh đều bán qua sàn thương mại điện tử, các nền tảng Zalo, Facebook để phân phối rộng khắp cả nước. Việc quảng bá xúc tiến thương mại điện tử đã góp phần tăng doanh số bán hàng. Mỗi năm, gia đình anh bán ra từ 5 - 6 tấn sản phẩm cà phê các loại, mang lại nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV GREEN FOOD (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) đóng gói sản phẩm OCOP Trà mãng cầu Tây Nguyên. |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tuyển chọn kỹ càng về mẫu mã, chất lượng, xây dựng dựa trên cơ sở những đặc sản, làm gia tăng giá trị cho những sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ đưa thông tin, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch thương mại điện tử, giúp tránh ùn ứ, mất giá nông sản, nhất vào mùa thu hoạch; quảng bá, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số. Đồng thời, mở rộng các kênh bán hàng trên các nền tảng số, giúp các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, góp phần gia tăng thu nhập cho người bán, ổn định đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây là hướng đi đúng đắn để sản phẩm của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm khác trên thị trường.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc