Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng thương hiệu - nâng tầm cho sản phẩm địa phương

08:31, 14/04/2022

Nhằm tôn vinh doanh nghiệp (DN), quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, lấy ngày 20/4 hằng năm là “Ngày thương hiệu Việt Nam”. Với sự quan tâm của Chính phủ cùng sự nỗ lực của cộng đồng DN, ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt khẳng định vị thế trên thị trường.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Riêng tại Đắk Lắk, những năm gần đây, nhiều DN trên địa bàn cũng đã hướng đến việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá thành phải chăng. Nhắc đến sản phẩm “Made in Đắk Lắk” có thể kể đến những sản phẩm chủ lực như cà phê Trung Nguyên, An Thái, Simexco, cà phê Phượng, mật ong Đắk Lắk, bơ DAKADO. Lĩnh vực cơ khí có cơ khí Đăng Phong, Đắc Hải, Viết Hiền… Trong đó, nhiều sản phẩm đã định vị được thương hiệu trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

Đóng gói cà phê phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ DN đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động chế biến sâu, sản xuất an toàn. Năm 2011, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai Đề án hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh. Điều này đã trở thành “điểm tựa” để các sản phẩm hàng hóa địa phương phát triển bền vững, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Kết quả, 5 cơ sở được hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, bao gồm: nhãn hiệu “Bột rau củ quả” của Hợp tác xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), “Trà Gạo lức Mộc Hoa” (huyện Buôn Đôn), “Macca Lê Xuân Khương” (huyện Cư Kuin), “COFFEE NAM TÂY NGUYÊN” (huyện Cư Kuin) và “Cà phê bột Lợi Lam” (huyện Krông Năng).

 

Nhiều DN nhìn nhận, đại dịch COVID-19 đã tác động, làm thay đổi thói quen, xu hướng tiêu dùng của nhiều người. Theo đó, những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường chiếm được cảm tình của người mua. Điều này, đòi hỏi DN cần thích nghi, cập nhật thị hiếu của khách hàng và chú trọng sản xuất "xanh", an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu của mình.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ xác lập bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.199 sản phẩm, dịch vụ được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 4 sáng chế, 19 giải pháp hữu ích, 26 kiểu dáng công nghiệp, 1.150 nhãn hiệu. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không chỉ giúp cá nhân, DN thúc đẩy hoạt động quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường mà còn giúp bảo vệ người tiêu dùng tránh nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái.

Gần đây, địa phương còn hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với nguồn gốc địa lý nhằm phát huy lợi thế đa dạng về điều kiện tự nhiên của tỉnh, thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu sản phẩm OCOP. Qua đó, giới thiệu các sản phẩm trong chuỗi liên kết và cách nhận biết sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hàng, tham gia các hội chợ, sàn giao dịch nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, hỗ trợ đưa đặc sản địa phương vào siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, việc xây dựng thương hiệu trước hết do DN tự nhận thức và tự làm. Thói quen tiêu dùng của người dân phần lớn dựa trên sự tin tưởng đối với thương hiệu. Những sản phẩm có thương hiệu sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Nâng “chất” để tạo lợi thế cạnh tranh

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN cần chủ động nắm bắt thời cơ, đổi mới công nghệ cũng như phương thức quảng bá, tiếp cận khách hàng... Từ đó, hướng đến mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt. Cụ thể, để tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại thì đi đôi với việc nâng cao chất lượng, cần gắn với việc xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường. Nhất là trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã đạt được nhiều đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, sự cạnh tranh trên thị trường trong nước sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Chế biến cà phê đặc sản tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Thực tế thời gian qua, nhiều DN của tỉnh không ngừng cải tiến chất lượng, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để làm ra sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị thương hiệu cho sản phẩm. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái chia sẻ, đơn vị chủ động đầu tư công nghệ trong chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như liên tục bổ sung kiến thức về marketing, đổi mới mẫu mã, bao bì... để giúp nâng tầm sản phẩm, chinh phục những thị trường khó tính.

Tương tự, ở Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak Ltd), chất lượng là vấn đề được công ty đặt lên hàng đầu. Trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho loại nông sản này, Simexco Dak Lak Ltd đã phát triển cà phê đặc sản để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Trong xu hướng tất yếu hiện nay, công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, chủ động đầu tư để kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon, hướng đến nâng cao sức cạnh tranh và lan tỏa cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là vẫn còn một bộ phận DN của tỉnh chưa nhận thức đầy đủ hoặc còn hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu. Ông Huỳnh Ngọc Dương nhìn nhận, các hiệp định thương mại tự do đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho DN. Do đó, DN cần tích cực cập nhật kiến thức, chủ động nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, chất lượng sản phẩm mới có thể tận dụng tốt những lợi ích từ các hiệp định này. Trong đó, những sản phẩm có thương hiệu sẽ dễ dàng cạnh tranh hơn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.