Multimedia Đọc Báo in

Kinh doanh cần lấy chữ tín làm đầu

08:29, 13/04/2022

Nhân dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, vợ chồng tôi đưa các con từ TP. Đà Nẵng về TP. Buôn Ma Thuột. Tuy đã chủ động đặt vé, đặt chỗ với nhà xe V. từ cuối tháng 3 và được nhân viên tổng đài cam kết: "Anh là khách quen, thường xuyên ủng hộ nhà xe tụi em nên không cần thanh toán trước đâu. Cứ yên tâm, bên em sẽ giữ chỗ cho".

Thế nhưng chiều 8/4, tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng, sau khi nghe tôi đọc số điện thoại đặt vé, nữ nhân viên nhà xe V. thông báo: "Anh thông cảm, chắc do bộ phận tổng đài tổng hợp thiếu, trong sổ không đăng ký số điện thoại của anh. Tất cả buồng phòng đều đã kín khách, gia đình mình có thể nằm ở đường luồng được không? Bên em sẽ tính giá khác, mềm hơn cho nhà mình ạ".

Không hài lòng với cách làm việc của nhân viên tổng đài, tôi bấm máy gọi vào số điện thoại đường dây nóng của nhà xe. Qua điện thoại, một giọng nam niềm nở "Nhà xe V. xin nghe ạ", tuy nhiên sau khi nghe tôi trình bày cụ thể nội dung sự việc, anh này liên tục giả vờ "alo, alo", giống như điện thoại bị mất sóng, anh ấy không nghe được tôi nói gì, rồi tự động tắt máy. Tôi bấm điện thoại, gọi thêm 3 cuộc nữa, chuông vẫn đổ nhưng không có người nghe máy. Vào các quầy vé ở Bến xe trung tâm Đà Nẵng hỏi mua vé về TP. Buôn Ma Thuột nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, thông báo vé đã bán hết từ nhiều ngày trước, cuối cùng, gia đình tôi đành phải chấp nhận nằm ở đường luồng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngoài việc không có dây an toàn, máy lạnh, cổng sạc điện thoại, đèn đọc sách, nước uống, ngăn để giày dép, hành lý như trong buồng phòng, những người nằm ở đường luồng với vợ chồng, con cái hôm đấy còn gặp phải vô vàn nỗi khổ không tên khác. Chuyện đang ngủ bỗng tỉnh giấc vì cả nhà bỗng dưng lăn trái, lăn phải, đập đầu vào chỗ nọ, chỗ kia mỗi khi xe vào cua, phanh gấp chỉ là vặt vãnh. Khổ nhất là những lúc xe dừng nghỉ, ăn uống, vệ sinh, đón trả khách dọc đường, do nằm ở lối đi, chúng tôi thường phải nằm yên chịu trận cho mọi người luồn lách, xách ba lô, hành lý bước qua người, qua đầu.

Đi được khoảng 2 tiếng, đến địa phận tỉnh Quảng Nam, thấy nằm ở đường luồng quá bất tiện, nguy hiểm, tôi tiếp tục gọi điện lên tổng đài của nhà xe V. để phản ánh và nhận được lời cam kết sẽ bố trí, sắp xếp giường cho gia đình. Tuy nhiên sau 5 phút, 10 phút, một tiếng, hai tiếng, và cả đêm hôm đó, tôi không thấy kíp xe hỏi thăm, hỗ trợ gì thêm cho gia đình mình.

Về đến TP. Buôn Ma Thuột, tôi đến văn phòng của nhà xe V. để phản ánh về thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, coi thường khách hàng của nhà xe này. Thế nhưng, thay vì nghiêm túc lắng nghe, rút kinh nghiệm và xin lỗi khách hàng, các nhân viên ở đây chỉ lấp liếm "Khi anh gọi, văn phòng đã đóng cửa, bọn em về hết cả rồi. Chắc mấy đứa trẻ con nó nghe máy rồi trả lời bậy bạ đó".

Một sự bất tín, vạn sự bất tin, trong kinh doanh, chữ tín làm đầu. Sau 2 năm đình trệ vì đại dịch, hoạt động du lịch của Đắk Lắk đã dần hồi phục, sôi động, nhộn nhịp trở lại. Những ngày cuối tuần, các chuyến bay, xe khách từ Đà Nẵng về TP. Buôn Ma Thuột thường xuyên kín chỗ. Song các nhà xe không nên vì thế mà làm ăn chộp giật, thiếu tôn trọng khách hàng. Trong trường hợp có sự nhầm lẫn, thay vì đổ lỗi trách nhiệm, hứa hẹn vòng quanh, nhà xe và các nhân viên cần cầu thị tiếp thu phản ánh chính đáng của khách hàng và tìm cách giải quyết thật thấu tình hợp lý. Mỗi nhà xe, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thường được ví như những “sứ giả du lịch” của địa phương, sự niềm nở, tận tình, chu đáo của họ sẽ để lại ấn tượng đặc biệt với mỗi du khách khi có dịp đến với Đắk Lắk..

  Minh Hà


Ý kiến bạn đọc