Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt

07:52, 09/05/2022

Dịch bệnh COVID-19 tác động làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân với xu hướng quay về dùng hàng nội nhiều hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt khai thác lợi thế và nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại trên “sân nhà”.

Chú trọng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng

Sau hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các DN Việt đã nỗ lực, tích cực sản xuất, phân phối bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hàng Việt theo đó đã len lỏi đến tận các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh, làm thay đổi thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng. Đây được coi là khoảng thời gian chứng kiến “sức sống” bền bỉ của hàng Việt trong bối cảnh xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh, hàng trong nước vẫn có vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, DN đã chuyển mạnh sang chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm. Trước đây, nhiều DN chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu thì nay đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp, nhà phân phối tìm hiểu về sản phẩm nông sản của Đắk Lắk tại Hội nghị kết nối giao thương giữa TP. Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, DN của tỉnh luôn chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng. Ông Hồ Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép ASEAN (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, công ty luôn đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động để làm ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động tiếp cận thông tin, xây dựng kế hoạch tăng trưởng, có chiến lược mở rộng quy mô, nâng công suất nhà máy phù hợp để mang lại tính hiệu quả và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo nhiều DN, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính hơn trong việc chọn mua hàng hóa. Bên cạnh chất lượng, kiểu dáng, họ còn dành sự quan tâm cho các sản phẩm an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường. Do đó, những dòng sản phẩm “xanh” chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nhiều hơn. Bà Hoàng Thị Thơm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yaris (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, sản phẩm tinh dầu của công ty là nguyên chất 100% với các loại như: tinh dầu sả, chanh, cam, hương nhu... Đây là nguồn nguyên liệu “ba không” được trồng tại địa phương (không hóa chất, không hormore tăng trưởng, không kháng sinh) giúp người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Đơn vị cũng chú trọng đầu tư nhãn hiệu, bao bì, kiểu dáng bắt mắt với những lọ nhỏ có dung tích 10 ml, 30 ml, 50 ml, 100 ml... để khách hàng có thể sử dụng hoặc làm quà biếu tặng người thân, bạn bè. Với giá bán được giữ ổn định, sản phẩm tạo được hiệu ứng tốt từ thị trường.

Hỗ trợ kết nối cung - cầu mãnh mẽ hơn

Với thị trường nội địa, hàng Việt đang ghi dấu ấn và có sức lan tỏa rộng rãi hơn. Xác định việc giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt là giải pháp quan trọng để ổn định thị trường, thời gian qua, Sở Công thương Đắk Lắk đã triển khai hàng loạt các giải pháp bảo đảm cung cầu, lưu thông, phân phối hàng hóa kịp thời đến tay người dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tạo sự kết nối giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương, DN sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với DN phân phối để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, hàng Việt bày bán chiếm tỷ lệ hơn 90%, thậm chí có những thời điểm hàng Việt chiếm đến 98%.

Mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa ban hành Kế hoạch triển khai cuộc vận động năm 2022 (gọi tắt là Cuộc vận động). Kế hoạch giao nhiệm vụ trọng tâm cho từng địa phương trong việc thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, Bộ Công thương có trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” (theo Quyết định số 386/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Song song với đó, tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN Việt Nam đến các đối tác, DN trong và ngoài nước...

Doanh nghiệp Đắk Lắk tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương TP. Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, DN nội cần chú trọng nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, thương hiệu của mình, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã mở ra thị trường rộng lớn, nhưng đồng thời DN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngay trên "sân nhà". Do đó, các DN cần cập nhật thông tin, kiến thức để sản xuất bảo đảm các yêu cầu về nguồn gốc, quy trình sản xuất, phân phối; có kế hoạch đầu tư công nghệ phù hợp, chủ động nâng cao trình độ để tận dụng tốt những lợi thế từ các hiệp định mang lại. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, trong phân phối, tiếp thị sản phẩm, qua đó nâng cao doanh số bán hàng, tạo tiện lợi cho người dân tiếp cận hàng hóa tốt, giá hợp lý. Đồng hành cùng DN, ngành công thương sẽ đổi mới, linh hoạt trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng dụng và triển khai thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.