Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Tìm giải pháp gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới

08:06, 04/05/2022

Giai đoạn 2011 - 2020, huyện biên giới Buôn Đôn không hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) bởi còn nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập.

Đến thời điểm này, huyện Buôn Đôn chỉ có duy nhất xã Ea Bar được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 14,28% (1/7 xã). Trong khi đó, theo Chương trình số 06-CT/HU, ngày 29/7/2011 của Huyện ủy Buôn Đôn về “Xây dựng NTM, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020” thì huyện phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Và tính đến nay tổng số tiêu chí đạt chuẩn của 7 xã thuộc huyện là 93/133 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 13,43 tiêu chí. Con số này khá khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ ba từ phải sang) khảo sát tiềm năng, định hướng về phát triển kinh tế tại huyện Buôn Đôn.

Phân tích nguyên nhân, theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, không phải chính quyền địa phương thiếu quyết tâm chính trị hay chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân mà nguyên nhân then chốt là bởi Buôn Đôn là huyện biên giới nghèo, không có nhiều tiềm lực kinh tế nên chưa có đủ nguồn lực để dồn sức, tập trung xây dựng xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm đến 51,2%, trong đó phần lớn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, điều này đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện, hoàn thành một số tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM, nhất là hai tiêu chí luôn song hành với nhau là tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập. Ngoài xã Ea Bar đã đạt chuẩn NTM thì 6 xã còn lại đều "vướng" phải hai tiêu chí này.

Đơn cử như xã Tân Hòa, địa phương có điều kiện kinh tế tốt nhất so với các xã còn lại song đến nay cũng chỉ mới đạt được 14/19 tiêu chí và đương nhiên, cũng không thể “thoát” được hai tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập khi hộ nghèo của xã còn chiếm khoảng 20%, trong khi bình quân thu nhập của người dân chỉ gần 20 triệu đồng/người, chưa bằng ½ so với mức thu nhập bình quân trong bộ tiêu chí NTM. Theo lãnh đạo xã Tân Hòa, với những tiêu chí khác như môi trường và an toàn thực phẩm, giao thông, văn hóa... địa phương có thể phấn đấu, quyết tâm hoàn thành, song để đạt được tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo theo như lộ trình thì không có gì đảm bảo, vì với một xã hoàn toàn thuần nông còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết khí hậu, biến động của giá cả thị trường...

Người dân nghèo xã Krông Na được tặng bò, giúp phát triển chăn nuôi, cải thiện thu nhập.

Đó là chưa kể đến những xã vùng sâu, xã biên giới như Krông Na, Ea Nuôl hay Ea Huar có tỷ lệ hộ nghèo cao thì “bài toán” giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập của người dân càng nan giải. Chắc chắn, lường trước quá nhiều khó khăn trong công tác, lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn trên cơ sở căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương nên trong Chương trình số 16/-Ctr/HU, ngày 18/2/2022 của Huyện ủy Buôn Đôn về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện biên giới này chỉ dám đề ra mục tiêu phù hợp, vừa sức là đưa xã Tân Hòa cán đích NTM vào năm 2025, xa hơn nữa, định hướng đến năm 2030 thì công nhận xã Ea Bar đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Khăm Phon Lào cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chương trình số 16-Ctr/HU nhấn mạnh, xoáy sâu vào với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân vào hướng khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương theo hướng bền vững.

Để đạt được mục tiêu đó, địa phương tiếp tục nghiên cứu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp theo hướng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị. Đặc biệt, huyện đang tập trung triển khai chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) vào hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Với lĩnh vực mũi nhọn là nông sản, huyện khuyến khích người dân không nên mở rộng diện tích mà thay vào đó chú trọng đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng các loại cây ăn trái hiện có như bưởi da xanh, cam theo tiêu chuẩn VietGAP để dễ dàng tiêu thụ, có đầu ra và ổn định giá cả.

Bên cạnh đó, với lợi thế về du lịch, thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho những danh lam thắng cảnh hấp dẫn cùng “bức tranh” văn hóa đa dạng với 29 dân tộc cùng chung sống, huyện cũng tiếp tục nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… nhằm thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Đó chính là hai giải pháp căn cơ, lâu dài, có thể giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong thời gian sớm nhất.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.