Mạnh dạn bước qua giới hạn
Thời gian gần đây nở rộ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ. Đây là tín hiệu vui bởi lứa tuổi thanh xuân tràn đầy sức mạnh, hoài bão, có kiến thức và thừa nhiệt huyết để tạo dựng tương lai, không chỉ cho riêng mình mà còn đóng góp, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.
Tuy nhiên, sự khắt khe của kinh tế thị trường luôn đặt ra một giới hạn đòi hỏi những “bước chân khởi nghiệp” phải có bản lĩnh để khai phá, vượt thoát. Nói đâu xa, ngay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thị trường cà phê và những sản phẩm liên quan đến cà phê luôn sôi động nhưng để thành công với các mô hình kinh doanh cà phê không dễ. Muốn có vị trí, thương hiệu cần phải đầu tư công sức, tạo dựng “lối đi riêng” khác lạ, thậm chí độc đáo.
Sinh ra, lớn lên, học tập tại Đắk Lắk, chàng trai trẻ Phạm Hoài Nguyên Anh đã sáng lập Công ty TNHH MTV Anh Coffee. Ấp ủ giấc mơ nâng tầm cà phê Việt từ lâu, để biến giấc mơ thành hiện thực, Nguyên Anh đã “ăn ngủ” cùng cà phê, từng xin làm việc không công ở các vườn cà phê thuộc huyện Ea H’leo, từng “khăn gói” đến các quốc gia xa xôi có trồng và chế biến cà phê như Indonesia, Ấn Độ, Columbia, thậm chí cả Mexico tận bên kia bán cầu để học hỏi.
Qua chuỗi ngày lăn lộn thực tế, đối chiếu sách vở, anh nhận ra gốc của vấn đề khiến cà phê Việt có giá trị thấp là bởi quy trình thu hoạch và chế biến. Nắm được cốt lõi vấn đề, Nguyên Anh đã khởi nghiệp bằng cách vay vốn đầu tư vào các vườn cà phê chỉ thu hoạch trái chín đỏ. Từ những hạt cà phê này, anh mất thêm nửa năm trời để tìm ra công thức lên men hạt cà phê, tạo ra hương vị được thị trường ưa chuộng. Đến nay, công ty của Nguyên Anh đã đầu tư vùng nguyên liệu trồng cà phê hơn 50 ha ở huyện Ea H’leo và thương hiệu Anh Coffee đã cung cấp cho thị trường cũng như xuất khẩu hàng tấn sản phẩm mỗi năm.
Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên. (Ảnh minh họa: Song Quỳnh) |
Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Êđê Café ở xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) lại theo đuổi đam mê làm cà phê sạch theo nguyên tắc trồng cà phê sạch và rang cà phê mộc. Nhờ sự kiên trì, dòng sản phẩm mang thương hiệu của đồng bào Êđê –Êđê Café của Y Pốt Niê đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, không chỉ trong nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Mông Cổ…
Hai tấm gương kể trên chỉ là số ít trong rất nhiều những gương mặt trẻ khởi nghiệp thành công ở một lĩnh vực tưởng chừng như đã chi chít dấu chân. Điều đó cũng cho thấy không gì là không thể, miễn trong hành trang khởi nghiệp phải có ý chí và lòng quyết tâm phá vỡ các rào cản ý thức đã thành mặc định.
Có câu ngạn ngữ thế này: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi nhiều người. Hy vọng, những người trẻ dám mạnh dạn bước qua giới hạn như Phạm Hoài Nguyên Anh, Y Pốt Niê… sẽ tạo dựng gam màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế, không chỉ ở phạm vi địa phương của tỉnh Đắk Lắk mà còn cho cả khu vực Tây Nguyên và quốc gia.
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc