Multimedia Đọc Báo in

Nâng vị thế cây vải chín sớm

05:55, 05/05/2022

Chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi, phát triển vùng nguyên liệu bền vững tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể “Vải thiều Ea Kar” đã góp phần đưa cây vải chín sớm trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp đáng kể trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ea Kar.

Phát triển vải thành cây hàng hóa

Năm 2012, ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 10, xã Ea Sar về quê hương Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang mua 100 cây giống vải u hồng trồng thử nghiệm trên rẫy. Nhận thấy vườn cây phát triển tươi tốt, ông Bình “đánh liều” phá bỏ cà phê, mở rộng diện tích trồng vải lên 5 ha.

Để cây vải đạt hiệu quả, ông đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, vi sinh. Vừa trồng, vừa học hỏi, thử nghiệm, ông Bình đã tìm được “bí quyết” cắt tỉa cành, tạo tán, dùng dây kẽm thắt thân để cây ra hoa sớm, bón thúc phân chuồng giúp quả chín nhanh. Việc chủ động cho cây vải ra hoa theo ý muốn, quả chín sớm không trùng với chính vụ ở các tỉnh phía Bắc đã giúp gia đình ông có đầu ra thuận lợi, ổn định, giá bán cao. Ông Bình không giấu được niềm vui: “Nhờ trồng vải, gia đình tôi có cơ ngơi khang trang, chăm lo cho con cái đàng hoàng. Riêng vụ vải năm nay, gia đình tôi thu được khoảng 80 tấn, giá bán 40.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về 2 tỷ đồng”.

Cán bộ nông nghiệp xã Ea Sar (bên phải) thăm mô hình trồng vải của gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn 10.

Tuy “bén duyên” với cây vải muộn hơn các hộ khác, nhưng gia đình chị Phạm Thị Thúy (thôn 6, xã Ea Sar) cũng đã có nguồn thu ổn định từ cây trồng này. Sau khi thất bại với tiêu, cà phê, vợ chồng chị đi tham quan, tìm hiểu các mô hình trên địa bàn và nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương phù hợp với cây vải nên đã đầu tư trồng 1 ha vào năm 2018, rồi mở rộng diện tích lên 2 ha. Đến nay, vườn vải nhà chị đã thu hoạch được khoảng 10 tấn/vụ. Chị Thúy phấn khởi: Trồng vải chỉ vất vả lúc kiến thiết cơ bản và khoảng 3 tháng trong thời gian cây tạo quả, còn lại khá nhàn nhã. Hiệu quả kinh tế của cây vải cao hơn nhiều so với các cây trồng khác và lại chín sớm hơn vải ở các tỉnh phía Bắc nên đầu ra rất thuận lợi. Vụ này, thương lái đang thu mua tận vườn với giá dao động từ 25.000 – 40.000 đồng/kg tùy chất lượng quả. Mặc dù vụ vải năm nay sản lượng không cao bằng năm trước do ảnh hưởng của thời tiết, nhưng giá bán cao nên người trồng vải cũng “ấm túi”.

Xây dựng liên kết chuỗi

Để phát triển vải thành cây hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, xã Ea Sar đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó có nhiều giải pháp phát triển cây vải. UBND xã đã hỗ trợ cây giống, phân bón, mời các chuyên gia về chuyển giao kỹ thuật cho nông dân xây dựng 12 mô hình trồng vải. Bên cạnh đó, UBND xã đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ giữa các chủ vườn vải, tiểu thương, doanh nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá cây vải, kết nối đầu ra cho nông dân, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá; tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu về cấp mã số vùng trồng đối với cây vải.

Chị Phạm Thị Thúy (thôn 6, xã Ea Sar) có thu nhập ổn định từ cây vải thiều.
 
Trong năm 2022, huyện tập trung hỗ trợ nông dân đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể “Vải thiều Ea Kar”, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành liên kết giữa người trồng vải với các loại hình kinh tế tập thể và doanh nghiệp nhằm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm”.
 
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar Trần Văn Đông

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết: Toàn xã hiện có trên 300 ha vải, trong đó có khoảng 250 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất trung bình từ 10 - 15 tấn/ha. Với ưu điểm chín sớm, quả mọng nước, vị ngọt thanh, vải trên địa bàn đều bán được giá cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân từ 300 – 400 triệu đồng/ha. Vì vậy, UBND xã rất chú trọng việc liên kết người trồng vải nhằm phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Xã đã vận động, hỗ trợ thành lập 1 tổ hợp tác vải và 1 Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Thanh Bình. Các mô hình kinh tế tập thể này đóng vai trò quan trọng dẫn dắt nông dân trên địa bàn phát triển cây vải bền vững, cung cấp cây giống đạt chuẩn, thử nghiệm các loại phân bón, hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra nhằm tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu vải.

Không chỉ tại xã Ea Sar, cây vải đã phát triển mạnh tại các xã Ea Sô, Ea Tih, Ea Đar, với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất vải thiều theo hướng VietGAP; tổ chức các hội thảo kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với những vùng trồng vải trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định. Ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện việc đóng gói sản phẩm, xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, trích dẫn nguồn gốc xuất xứ, chế biến sản phẩm vải khô sấy...

Đề án “Xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025” đã được HĐND huyện thông qua cuối năm 2021. Trong đó xác định vải thiều là một trong 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được tập trung xây dựng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển bền vững cây vải thiều.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.