Multimedia Đọc Báo in

“Sốt” đất hướng cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

08:01, 01/05/2022

Dư luận gần đây râm ran thông tin về hướng mở đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột khiến giao dịch nhà đất từ thành phố cao nguyên về thành phố biển “nóng” từng ngày, nguy cơ trở thành áp lực của những cụm đô thị sắp hình thành.

Theo phác thảo của một số cơ sở môi giới địa ốc dọc trục Quốc lộ 26, trên con đường nối liền Buôn Ma Thuột – Nha Trang, chắc chắn những địa điểm ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc), các thị trấn Ea Kar, Ea Knốp (huyện Ea Kar), huyện M’Drắk, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa)… sẽ sớm thu hút đầu tư bất động sản. Bởi đa số nhà đầu tư đều tin rằng, kích hoạt đường cao tốc đồng nghĩa với chuyện đô thị hóa đi vào hiện thực.

Tâm lý đón đầu, "nóng" giá đất

Trên chuyến xe khách chạy từ TP. Buôn Ma Thuột đến thị xã Ninh Hòa, tài xế và hai người khách ngồi kề tranh luận sôi nổi về khả năng “trúng đất” dọc trục Quốc lộ 26. Nhiều người từ TP. Hồ Chí Minh đang “đổ” về Đắk Lắk tìm mua đất là thông tin được dư luận quan tâm nhiều tháng qua.

Hai người khách thể hiện mình là những người dẫn đường đưa lối cho nhiều đoàn đầu tư như vậy. Đến trung tâm huyện Ea Kar, họ xin dừng xe vài phút để nhận xấp hồ sơ từ một thanh niên chạy xe máy cà tàng. “Thổ địa ở đây, cầm nắm cả trăm héc ta rẫy vườn giáp hồ Ea Kar đó”, một người khách nói với tài xế như vậy. Theo ông này, giá đất giao dịch quanh hồ Ea Kar đã tăng lên gần gấp đôi, một sào đất ước chừng 400 triệu đồng, và là đất có khả năng chuyển đổi thành đất thổ cư. Nếu để thêm vài tháng nữa, khi dự án cao tốc khởi động, giá này sẽ còn lên cao.

Lý do đưa ra là khi Đắk Lắk chuẩn bị nâng tầm đô thị Buôn Ma Thuột lên thành phố trực thuộc Trung ương, Ea Kar đang trên lộ trình phát triển thành một thị xã... Vấn đề là dư luận cứ thế rì rầm, rỉ tai, được đồn thổi, đánh dấu bằng những nhà đầu tư ở đâu đó tới, rất quan tâm về giá cả giao dịch và mạnh dạn “chốt kèo”. Nhà đất ở khu vực này vì thế tăng nhanh.

Giá đất quanh hồ Ea Kar (thị trấn Ea Kar) đã tăng tự phát gần gấp đôi.

Từ Ea Knốp đến M’Drắk, diễn biến trao đổi của những người tham gia môi giới nhà đất cũng sôi nổi tương tự. Trên một chuyến xe đi ngược lại từ Nha Trang về Buôn Ma Thuột vẫn hiện diện những người làm vai trò môi giới như thế. Ở huyện M’Drắk, phân khúc đất được quan tâm còn rộng hơn, ngay cả các rẻo đất chân đèo, lưng chừng đèo cũng có giao dịch. Tài xế xe thành thạo chỉ tay xuống dưới con đường đèo quanh co 10 km mang tên Phượng Hoàng: “Đất ở đây cũng có giao dịch rồi, có người đã đầu tư mấy chỗ dừng chân nghỉ dưỡng, giải trí dọc con suối, ở mấy chặng khe phía dưới. Không gian tự nhiên, rất thích hợp cho người ta cắm trại, ăn uống. Theo đó, người ta sẽ quan tâm nhiều hơn về cơ hội chuyển quyền sổ đỏ ở khu đèo”.

Cũng nhằm giải thích lý do đất đèo Phượng Hoàng tăng giao dịch, một cô gái trong nhóm “khảo sát” đi xe chia sẻ, thông tin cho biết tuyến cao tốc đã định vị về Ninh Hòa để khai thác tốt hơn hai vịnh Vân Phong và Nha Trang, đèo Phượng Hoàng theo đó sẽ là điểm nhấn quan trọng của tuyến cao tốc, với cỡ 3 đường hầm được khơi thông. Trục đường cao tốc sẽ biến những hiểm trở ngăn cách lâu nay giữa hai địa phương thành tiện lợi. Việc khai thác cơ hội du lịch, đầu tư ở những vị trí này lại hóa đắc địa. Các nhà đầu tư vì thế đang dõi theo dự án cao tốc, và tính toán rất nhiều…

Cảnh báo những giao dịch nhà đất tự phát

Câu hỏi với các nhà quản lý và làm chính sách ở các địa phương, nơi tuyến cao tốc dự kiến đi qua là xử lý thế nào với hiện trạng thị trường đất đai “nóng lên”. Ngay một cán bộ địa chính ở huyện Ea Kar cũng tâm tư, khoảng cách từ địa bàn đến khu vực xây dựng cao tốc là không hề gần, song dư địa đất canh tác có giá tầm thấp ở địa phương hiện nay lại là một cơ hội để giới đầu cơ, mà chính xác là chỉ có giới đầu cơ nghĩ đến viễn cảnh đô thị hóa ở đây. Từ trung tâm huyện, ngược về thị trấn Phước An và TP. Buôn Ma Thuột đều đang “gióng” lên những “hồi chuông” cảnh báo tình trạng tự phát giao dịch đất canh tác trong dân. Chính quyền có vào cuộc cũng không đơn giản ngăn chặn được tình hình. Giá đất khu vực vì thế, bám theo diễn biến giao dịch môi giới mà tăng không ngừng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk, những diễn biến giao dịch nhà đất tự phát, về mặt thị trường, đều tác động xấu đến đời sống người dân và ảnh hưởng quy hoạch quỹ đất, quy hoạch các phân khu phát triển. Đặc biệt, vấn đề đất ở đô thị, theo định hướng phát triển không gian đô thị ở các trung tâm hành chính, đô thị kinh tế sẽ luôn cần tăng lên nhưng phải trong phạm vi kiểm soát được. Một khi cơ quan chức năng không kiềm giữ được tình hình thị trường và để phát sinh lượng nhu cầu giao dịch “ảo”, tâm lý thị trường sẽ diễn biến xấu và những hệ lụy kéo theo sẽ rất lớn. Đáng lo, đây đang là vấn đề thực tế!

Rõ ràng với một dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sắp đưa vào thực tiễn triển khai, diễn biến đón đầu và cơ hội đô thị hóa ở thị trường là không tích cực. Đắk Lắk lại có kế hoạch mở rộng hạ tầng giao thông với nhiều dự án đường lớn và cao tốc thì tình hình càng đáng được chính quyền quan tâm hơn, kể cả ở tầm nhìn ngắn hạn lẫn mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.