Thanh niên huyện Lắk phát triển trồng dâu nuôi tằm
Với tinh thần xung kích lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên ở huyện Lắk đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, trong đó, mô hình trồng dâu nuôi tằm đang mang lại thu nhập ổn định.
Có dịp tham quan các mô hình trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng, anh Mai Thanh Nghĩa (buôn Yuk La 3, xã Đắk Liêng) nhận thấy mô hình này tạo thu nhập cao, lại phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, anh đã đầu tư xây dựng khu vực rộng rãi để nuôi tằm, xuống giống trồng 2 sào dâu và chuẩn bị vật dụng như: né, kệ sắt, lưới… với số vốn gần 30 triệu đồng.
Năm 2018, anh đặt mua tằm giống về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên lứa nuôi đầu không được thuận lợi, số lượng tằm bị bệnh và chết khá nhiều, lợi nhuận thu lại không đáng là bao. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, anh Nghĩa nhận thấy do quá trình vận chuyển con giống từ Lâm Đồng về địa phương gặp thời tiết mưa, gió đã ảnh hưởng đến con giống.
Rút kinh nghiệm từ đợt nuôi đầu, anh chú ý hơn đến việc đảm bảo chất lượng con giống, kỹ lưỡng trong khâu chăm sóc và tiếp tục chuyển đổi thêm 1 ha diện tích trồng bắp kém hiệu quả sang trồng dâu, tăng số lượng nuôi hơn 1 hộp tằm giống. Sau 15 ngày chăm sóc, anh thu được hơn 70 kg kén, với giá bán hiện nay 195.000 đồng/kg, gia đình thu lãi 9 triệu đồng. Anh còn tận dụng được nguồn phân tằm để ủ phân hữu cơ bón cho vườn cà phê của gia đình. Theo anh Nghĩa, khi nuôi tằm phải thường xuyên quan sát, kiểm tra tỉ mỉ trong quá trình nuôi.
Anh Mai Thanh Nghĩa (buôn Yuk La 3, xã Đắk Liêng) đang kiểm tra quá trình phát triển của tằm. |
Đặc biệt là thời điểm sau khi con giống mang về nuôi đến ngày thứ tư tằm bắt đầu ngủ dậy, cần chú ý để rắc vôi bột khử trùng cho tằm, cần thiết có thể tách riêng những con tằm chưa ngủ dậy để có cách xử lý phù hợp. Khi cho ăn phải băm nhỏ lá dâu bằng kích thước tằm con, đây là giai đoạn quyết định được 70 – 80% thành công của mỗi đợt nuôi. Với nguồn lá dâu dồi dào, gia đình anh đang phát triển nuôi lên 2 hộp tằm giống. Anh cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm, giúp các đoàn viên, thanh niên địa phương phát triển kinh tế gia đình.
Nhận thấy hiệu quả mô hình trồng dâu nuôi tằm của những người dân trong buôn, cuối năm 2021, gia đình chị Hà Thị Yến (buôn Thái, xã Bông Krang) cũng đã chuyển đổi 4 sào lúa một vụ năng suất thấp sang trồng dâu. Sau 5 tháng trồng, cây dâu đã cho thu lá, gia đình chị mua tằm giống về nuôi. Nhờ lựa chọn được tằm giống chất lượng và học hỏi áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăm sóc đã giúp việc sản xuất của gia đình thành công ngay từ đợt nuôi đầu tiên. Tằm phát triển đồng đều, khỏe mạnh, sau 15 ngày nuôi là cho thu hoạch kén. Hiện chị đã nuôi được 2 hộp tằm, thu được 60 kg kén/hộp, lãi 6 triệu đồng/hộp. “Trồng dâu nuôi tằm có nguồn thu nhập và đầu ra ổn định, dù giá kén lên xuống tùy từng thời điểm nhưng người nuôi vẫn có lãi, hạn chế tình trạng thua lỗ. Mô hình này phù hợp điều kiện kinh tế nông hộ, người dân không chỉ chủ động được thời gian nuôi, mà còn mang lại thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác”, chị Yến chia sẻ.
Đoàn viên, thanh niên đến học tập kỹ thuật nuôi tằm của gia đình anh Mai Thanh Nghĩa (buôn Yuk La 3, xã Đắk Liêng). |
Hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm đang được phát triển trên địa bàn huyện Lắk. Nhờ thuận lợi đầu ra, giá cả, mô hình này cũng được nhiều thanh niên địa phương lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu trên quê hương.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc