Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá từ trồng vải

08:11, 13/05/2022

Nhiều năm trước, gia đình anh Trần Văn Nghị, ở tổ dân phố 7, thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) trồng giống vải gai nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi biết ở huyện Ea Kar có mô hình trồng cây vải lai chín sớm, anh đã tìm đến tham quan, học tập rồi quyết định chặt bỏ vườn tiêu để đầu tư trồng 200 cây vải (gồm: vải lai, vải u hồng) trên diện tích 3 sào.

Anh Nghị tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải từ mạng Internet, các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức và các mô hình trồng vải thành công. Sau đó, anh tiếp tục trồng bổ sung 50 cây vải trứng, là loại vải có nhiều ưu điểm như: quả to, chín đỏ, chất lượng vượt trội, giá bán cao hơn so với vải lai chín sớm. Biện pháp khoanh cây vải được anh áp dụng vào thời điểm tháng 10 âm lịch. Nguồn phân bón chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục 6 tháng, mỗi năm bón hai lần (bón thúc mầm và bón thúc quả). Ngoài ra, anh còn bón thêm đạm, lân, kali; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh và cách ly trước thời điểm thu hoạch ít nhất 20 ngày. Sau khi thu hoạch xong anh bắt đầu tỉa cành, lá cho cây thông thoáng rồi tưới nước, kích thích cho cây ra hoa.

Anh Nghị thu hoạch vải.

Mặc dù năm nay thời tiết bất lợi, diện tích trồng vải của hầu hết các hộ đều đạt năng suất thấp hơn trung bình các năm trước, song vườn vải nhà anh Nghị vẫn đạt năng suất cao. Anh Nghị cho biết, đối với những cây 5 năm tuổi cho thu hoạch 1,5 tạ/cây, những cây có số năm ít hơn cho thu hoạch 1 tạ/cây. Nhờ chăm sóc cẩn thận, quả vải của gia đình anh có chất lượng tốt: không bị sâu đầu, quả to, mã đẹp, ngọt mọng thơm nên được thương lái đến tận vườn thu mua. Với giá bán 35.000 đồng/kg vải lai chín sớm và 40.000 đồng/kg vải trứng, vụ vải này gia đình anh lãi 50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.