Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội thúc đẩy cung - cầu hàng hóa khu vực Tây Nguyên

08:11, 27/06/2022

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7/2022.

Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ bazan và khí hậu ôn hòa nên rất phù hợp với nhưng loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 210.000 ha và sản lượng thu hoạch hằng năm đạt trên 560.000 tấn, chiếm 30% sản lượng cả nước.

Tỉnh cũng là nơi trồng các loại cây khác như: hồ tiêu, hạt điều, ca cao, cao su… với diện tích và sản lượng tương đối lớn. Cụ thể, toàn tỉnh có 37.000 ha hồ tiêu, sản lượng 78.000 tấn; 26.000 ha điều, sản lượng 28.000 tấn; 34.000 ha cao su, sản lượng 37.000 tấn…

Bên cạnh đó, địa phương cũng phát triển mạnh các loại cây ăn trái, trong đó, cây bơ: 8.900 ha, sản lượng 80.000 tấn; sầu riêng: 12.000 ha, sản lượng 100.000 tấn; xoài: 970 ha, sản lượng 7.000 tấn và vải: 632 ha, sản lượng 2.600 tấn… Hàng hóa nông sản của tỉnh đã xuất khẩu tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đã thâm nhập được vào các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp…

Sản phẩm của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) tham gia chương trình "Gặp gỡ Hàn Quốc - Khu vực miền Trung Tây Nguyên" tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: XTTM

Trong những năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát và lan rộng khắp các nước trên thế giới khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh đã khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nông sản đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Các hoạt động chính của “Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022”:

- Ngày 7 đến 9/7/2022: Trưng bày giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk (đường Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột).

- Ngày 7/7/2022: Tham quan vùng sản xuất và nhà máy sơ chế, đóng gói nông sản xuất khẩu tại huyện Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột.

- Ngày 8/7/2022: Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022, tại Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê.

Để xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng hiện nay rất cần sự liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng sự ủng hộ, phối hợp của tổ chức xúc tiến thương mại các địa phương.

“Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022” được Trung tâm Xúc tiến thương mại Đắk Lắk tổ chức là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại trong bối cảnh các doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Hội nghị này nhằm quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng; tạo điều kiện cho các nhà cung cấp của địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, đưa vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; ký kết hợp tác đầu tư, hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh, khu vực, nhất là các sản phẩm đặc trưng; qua đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và phát triển bền vững.

Một hoạt động giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Đắk Lắk tổ chức.

Theo Ban tổ chức, hội nghị có quy mô 150 đại biểu, trong đó 60 – 100 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã và các tổ chức xúc tiến thương mại được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại, các tỉnh, thành phố như: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Lào Cai, Đà Nẵng, An Giang… Trong khuôn khổ chương trình sẽ trưng bày, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng thế mạnh các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và các địa phương tham gia; phát triển thị trường trong nước, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và duy trì ổn định nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Cao Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.