Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số

08:20, 20/06/2022

Để phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN).

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Chưa bao giờ từ khóa “chuyển đối số” lại được nhắc đến nhiều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực như những năm gần đây. Nhận thấy được xu thế tất yếu của chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận và từng bước số hóa.

\Trong khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Sở Công thương và các sở, ngành liên quan đã hỗ trợ DN tìm hiểu, tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để đầu tư quảng bá thương hiệu. Nhằm "mở đường" cho DN tiếp cận chuyển đổi số, UBND tỉnh và các đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn về chuyển đổi số cho DN và hộ sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn như Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” được UBND tỉnh tổ chức vào tháng 10/2021. Hay Bưu điện tỉnh và Chi nhánh Bưu chính Viettel Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn kỹ năng chuyển đổi số tại 6 đơn vị cấp huyện về sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn; đồng thời hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh cập nhật thông tin, sản phẩm, mở gian hàng trên sàn TMĐT, mở tài khoản thanh toán; các quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và quy trình vận chuyển, thanh toán. Qua tập huấn, đã thành lập được 6 nhóm Zalo tại 6 đơn vị cấp huyện với trên 120 thành viên tham gia để triển khai kế hoạch và hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn. Nhiều hộ kinh doanh cá thể đã mạnh dạn tổ chức hoạt động livestream (phát trực tiếp), quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Anhcoffee Phạm Hoài Nguyên Anh giới thiệu về sơ đồ tổ chức bán hàng online.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 12/2021, UBND tỉnh đã kết nối với các công ty công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh lên phương án, kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 DN trên địa bàn tỉnh thực hiện việc chuyển đổi số một cách toàn diện, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn tiếp cận, mở rộng thị trường và chăm sóc khách hàng như chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, xây dựng website TMĐT chuyên nghiệp, hỗ trợ tổng đài chăm sóc khách hàng CloudFone giúp DN gia tăng hiệu suất giao tiếp với khách hàng, tinh gọn bộ máy và quản lý khách hàng một cách hiệu quả. Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng sẽ hỗ trợ giải pháp thư điện tử chuyên nghiệp, giải pháp tăng nhận diện thương hiệu…

Nhằm hướng dẫn, đôn đốc các DN tại địa phương tích cực triển khai chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế số của địa phương, ngày 10/2/2022, UBND tỉnh triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số DN và hỗ trợ thúc đẩy DN chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị thông minh năm 2022; ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 với Công ty Cổ phần FPT và thành lập 6 tổ công tác để triển khai thỏa thuận này.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà, kinh tế số bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh đã lồng ghép các kế hoạch phát triển DN số vào kế hoạch chuyển đổi số chung của tỉnh, cùng với đó tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2021 để từng bước thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đang xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng.

Doanh nghiệp từng bước tiếp cận

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10.199 DN đang hoạt động, trong đó hầu hết là các DN nhỏ và vừa. Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của tỉnh và các cơ quan chức năng, các DN trên địa bàn đã từng bước tiếp cận với chuyển đổi số. Đơn cử như ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đã tiếp cận khá nhanh với chuyển đổi số. Ông Lê Văn Vương, Giám đốc công ty chia sẻ, từ năm 2021 đến nay công ty đã tham gia nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số để tìm hiểu và trau dồi kỹ năng. Hiện nay, công ty đã áp dụng phần mềm khai báo thuế, chữ ký số, phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử… trong quá trình hoạt động. Công ty cũng đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua Fanpage và các trang TMĐT. Vừa qua, công ty cũng được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc để từng bước số hóa DN của mình.

Ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anhcoffee cho hay, để thích ứng với dịch COVID-19 và xu thế chuyển đổi số trong thời đại 4.0, công ty đã số hóa toàn bộ hệ thống bán hàng, rang xay, hành chính, kế toán thay vì làm thủ công như trước. Đơn vị đã chú trọng việc sử dụng bài viết, hình ảnh, video để quảng bá trên mạng xã hội, Youtube, đồng thời phát triển kênh tiêu thụ online và đẩy mạnh áp dụng các phần mềm công nghệ để tăng trưởng doanh thu. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, DN đã giảm được lượng nhân sự không cần thiết, hiệu suất kinh doanh tăng, đặc biệt là DN duy trì được hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.

Để thích nghi với trạng thái bình thường mới và bắt nhịp với nền kinh tế số, hiện nay không chỉ những DN trên mà cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đang từng bước tiếp cận những chương trình, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đồng thời chủ động và nỗ lực để đón đầu xu thế.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.