Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk với hành trình thoát khỏi huyện nghèo

08:20, 07/06/2022

Xuất phát điểm thấp, đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lắk đã nỗ lực vươn lên, đưa địa phương thoát khỏi diện huyện nghèo của cả nước.

Xác định mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt, huyện Lắk đặt ra mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm từ 3,5 - 4% hộ nghèo.

Quyết sách lấy dân làm gốc - dân là chủ thể

Là địa phương có tới 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, việc thay đổi nhận thức và tập quán cũ trong sinh hoạt, sản xuất của bà con là điều không hề dễ dàng. Từ thực tế đó, nhiều quyết sách lấy dân làm gốc, dân là chủ thể thực hiện được Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk ban hành. Trọng tâm là Nghị quyết số 02-NQ/HU về tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09-NQ/HU về xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk…

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, nội dung chủ đạo của các quyết sách này đều tập trung vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và xây dựng huyện Lắk phát triển trên mọi lĩnh vực. Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên quán triệt, lãnh đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, xây dựng huyện Lắk phát triển toàn diện.

Mô hình liên kết trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Đắk Phơi.

Các nghị quyết trên được đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả. Đáng chú ý, chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU, đến nay đã tặng hơn 150.000 cây ăn trái các loại cho người dân vùng đồng bào DTTS. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết này được Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk quán triệt sâu sát đến từng cơ quan, đơn vị để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”. Theo đó, ở mỗi xã, thị trấn cử 5 đồng chí trong Ban Thường vụ, 15 đồng chí trong Ban Chấp hành chia làm 5 tổ, mỗi tổ sẽ theo dõi một số buôn, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát từng loại cây, nếu chết thì phải mua về trồng bổ sung. Định kỳ hằng quý, 6 tháng và 1 năm phải có đánh giá hiệu quả, báo cáo về Ban Thường vụ Huyện ủy để nắm bắt và chỉ đạo phù hợp. Huyện Lắk phấn đấu đạt mục tiêu trồng 500.000 cây ăn trái các loại trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Các loại cây trồng được lựa chọn là cây đa mục tiêu nên đây sẽ là một trong những nền tảng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững nhất.

Thực hiện song song với các nghị quyết này, Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk chú trọng kêu gọi, xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Đến nay, huyện Lắk đã kêu gọi được 2 nhà máy chế biến gỗ ở xã Đắk Nuê, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Mục tiêu của việc kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến gỗ hướng đến sản xuất, chế biến gắn với vùng nguyên liệu, tạo việc làm cho người dân địa phương, hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi đầu tư 2 nhà máy chế biến gạo gắn với vùng chuyên canh lúa trên địa bàn, với công suất dự kiến 200 - 300 tấn gạo/ngày. Địa phương cũng đã quy hoạch 1 cụm công nghiệp với quy mô 50 ha ở xã Yang Tao để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gắn với bao tiêu, thu mua sản phẩm chủ lực của người dân trên địa bàn.

5 năm có gần 4.000 hộ thoát nghèo

Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn trên địa bàn huyện Lắk được thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Điển hình, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, giai đoạn 2018 - 2020 huyện Lắk đã giải ngân gần 118,5 tỷ đồng để thực hiện các tiểu dự án. Cụ thể, Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã thực hiện 88 công trình về giao thông, thủy lợi, giáo dục, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã hỗ trợ được 38 mô hình cho gần 600 lượt hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí gần 18 tỷ đồng; thực hiện Tiểu dự án hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, tuyên truyền viên, người lao động, với kinh phí gần 500 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Buôn Triết Bùi Mạnh Hải (bìa phải) trao cây giống tặng người dân. Ảnh: Duy Tiến

Nguồn vốn các chương trình, dự án được triển khai trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhờ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Lắk giảm mạnh, giảm sâu trong nhiều năm liền. Cụ thể, năm 2017 toàn huyện có 8.034 hộ nghèo (chiếm 46,72% tổng số dân) thì đến cuối năm 2021 huyện Lắk còn 4.290 hộ nghèo (điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2021), chiếm 22,54%. Như vậy, sau 5 năm, huyện Lắk đã giảm được 3.744 hộ nghèo, trung bình mỗi năm giảm được gần 750 hộ, với mức giảm hơn 4,8%/năm.

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, toàn quốc còn 74 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện nghèo gồm Ea Súp và M’Drắk. Như vậy, theo quyết định này, từ năm 2022 huyện Lắk không nằm trong danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước. Theo Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên, đây vừa là kết quả, vừa là động lực để cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lắk tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp. Đồng thời, là cơ sở để địa phương xây dựng, ban hành và thực hiện các chương trình, nghị quyết phù hợp về phát triển huyện Lắk trong thời gian tới.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.