Nâng tầm thương hiệu "Sầu riêng Krông Pắc"
UBND huyện Krông Pắc vừa tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm về quản lý, sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng - nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận năm 2016.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong tiến trình huyện củng cố và phát triển thương hiệu “KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” (Sầu riêng Krông Pắc).
Nông dân học làm sầu riêng đúng cách
Thương hiệu sầu riêng Krông Pắc từng bước định hình trong lòng người tiêu dùng suốt nhiều năm qua, đến nay đã khẳng định vị trí vững chắc khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Krông Păc". Đây là thành quả bước đầu của một hành trình dài lâu, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ nhiều phía.
Để củng cố và bảo vệ thương hiệu, nông dân đang từng bước thích ứng với cách thức sản xuất sầu riêng chuẩn mực từ vườn cây và kết nối với nhà thu mua, hướng đến xuất khẩu chính ngạch.
Chị Trần Thị Huệ, thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển vườn sầu riêng. |
Chị Trần Thị Huệ, thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh cho biết, sầu riêng là cây ăn quả có nhiều tầng tán, khó canh tác, chi phí đầu tư lớn, thời gian kiến thiết kéo dài nhiều năm. Bù lại là giá trị, lợi nhuận sầu riêng đem lại cho người trồng rất lớn: từ nguồn thu trái sầu riêng hằng năm đến giá trị tổng thể toàn bộ vườn cây. Do đó, với 9 sào sầu riêng, chị đang điều chỉnh cách thức tổ chức sản xuất, thay thế các loại vật tư hóa học sang hữu cơ, chế phẩm sinh học theo lộ trình để bảo vệ vườn cây, hướng đến hình thức canh tác bền vững, thân thiện với môi trường nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sầu riêng.
Tương tự, ông Hoàng Trọng Cường (thôn Tân Bắc) có 1 ha vườn sầu riêng 7 năm tuổi, đã có mã số vùng trồng cho hay, thời điểm trồng sầu riêng, gia đình đã có sự cân nhắc, lựa chọn giống chất lượng nên chi phí đầu tư rất cao. Gia đình ông xác định phương châm canh tác sầu riêng theo hướng bền vững; bổ sung dinh dưỡng đúng cách để cây khỏe, có khả năng kháng sâu bệnh; giữ cỏ tạo thảm thực vật, hạn chế xói mòn đất vào mùa mưa, thoát hơi nước vào mùa khô; sử dụng máy phát để phát cỏ khi cỏ đạt độ cao nhất định nhằm bổ sung nguồn phân xanh cho đất; thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện sớm sâu bệnh hại... Các khâu canh tác còn lại vẫn được tuân thủ theo đúng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng sầu riêng.
“Hội Nông dân huyện đang tập trung nâng cao vai trò của các tổ chức tập thể trong việc tập hợp hội viên, nông dân cùng tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu một cách bền vững”. ông Y Niêm Êban, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc |
Theo phản ánh của nông dân, vấn đề sản xuất sầu riêng bền vững, thuận tự nhiên không còn mới nữa nhưng để đi đúng hướng cần phải trải qua một quá trình dài. Cùng với đó là tuân thủ các quy trình kỹ thuật khắt khe để bảo đảm chất lượng sầu riêng thành phẩm từ diện mạo đến hương vị. Bởi chỉ cần canh tác sai kỹ thuật thì vườn cây khỏe mạnh sẽ đối mặt với các nguy cơ dịch bệnh hay cây thiếu chất dẫn đến rụng quả, không kiểm soát được chất lượng múi sầu riêng…
Chung tay khai thác thương hiệu
Xây dựng thương hiệu vốn đã khó, khai thác và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Do đó, huyện Krông Pắc đang kết nối doanh nghiệp, nông dân, chính quyền cùng xây dựng và khai thác giá trị thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”. Theo đó, các doanh nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, kết nối nông dân, xây dựng và chuẩn hóa vùng trồng nhằm tạo nên sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng, rõ ràng về nguồn gốc phục vụ thị trường xuất khẩu chính ngạch. Thực tế, vụ thu hoạch 2021, các doanh nghiệp đã kết nối thu mua, chế biến hàng nghìn tấn sầu riêng cho nông dân để tiêu thụ bằng nhiều kênh khác nhau. Và sầu riêng tiếp tục được đánh giá có nhiều tiềm năng; thương hiệu, giá trị “Sầu riêng Krông Pắc” sẽ được nâng tầm khi việc sản xuất, khai thác đi vào khuôn khổ.
Vườn sầu riêng đa canh ở huyện Krông Pắc. |
Cùng với đó, việc tham khảo học tập kinh nghiệm từ thực tế đóng vai trò quan trọng. Trong chuyến học tập kinh nghiệm về quản lý, sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” vừa qua, đoàn công tác của huyện Krông Pắc đã trực tiếp trải nghiệm và tích lũy những kinh nghiệm hay trong việc cùng nhau xây dựng, sử dụng và đưa nhãn hiệu đã được cấp thành một nhãn hiệu uy tín trong cộng đồng, góp phần tích cực trong định hình và phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Từ chuyến đi thực tế đó, huyện Krông Pắc cũng đã có các giải pháp củng cố, phát triển nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”. Theo đó, huyện đang đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá thương hiệu; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng, phát triển nhãn hiệu; thực hiện tốt công tác tổ chức, sử dụng, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu. Cụ thể là hoàn thiện các văn bản liên quan đến quản lý, kế hoạch dài hạn phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Krông Pắc”; quy hoạch phát triển vùng trồng hợp lý, từng bước tạo dựng vùng nguyên liệu hàng hóa gắn với nhãn hiệu chứng nhận, đáp ứng nhu cầu của thị trường; tập trung liên kết nông dân để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại; đưa sản phẩm sầu riêng vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước, các cửa hàng bán nông sản sạch...
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc