Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế

08:23, 23/06/2022

Sự đồng hành, tích cực hỗ trợ của Hội LHPN xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã giúp nhiều chị em tiếp cận nguồn vốn, thay đổi phương thức sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.

Nhận thấy thu nhập của chị em trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn, để giúp các chị em có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, từ năm 2019, chị H’Ngăm Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã đã đứng ra nhận hạt điều từ các công ty rồi phân chia cho chị em về làm gia công tại nhà. Trung bình một tháng chị sẽ nhận hai đợt với khoảng hơn 2 tấn hạt điều.

Vào mùa mưa, nhu cầu gia công hạt điều tại nhà của các chị em tăng lên nên chị H’Ngâm sẽ nhận khoảng 5 – 6 tấn để tạo việc làm thêm cho chị em. Sau khi lấy hạt điều về, các chị em chỉ cần dùng dao nhỏ cạo sạch lớp vỏ lụa bên ngoài hạt, rồi giao lại thành phẩm cho chị H’Ngăm và nhận tiền công. Công việc này không gò bó thời gian và hưởng tiền công theo lượng thành phẩm (5.000 đồng/kg hạt thành phẩm) nên các chị em vẫn làm việc nương rẫy và có thể nhận hạt điều về làm.

“Thời gian nghỉ ngơi buổi trưa và tối, gia đình lại quây quần vừa xem ti vi, vừa tranh thủ cạo hạt điều. Công việc đơn giản nên các cháu nhỏ cũng tích cực phụ giúp bố mẹ. Mỗi đợt nhận hàng về gia công, gia đình cũng có thu nhập khoảng 1 triệu đồng, đỡ được một khoản tiền học phí của con cái”, chị H’Đi Êban (buôn Ea Na) tâm sự.

Mô hình trồng rau, quả của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Thành Công, xã Ea Na) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Không chỉ tạo thu nhập cho hội viên từ công việc làm thêm, Hội LHPN xã còn tích cực hỗ trợ giúp chị em tiếp cận nhiều nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả sản xuất.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Thành Công) phát triển kinh tế từ 1 ha trồng cây ca cao, sau nhiều năm thu hoạch, cây dần già cỗi và cho năng suất thấp.

Để lựa chọn cây trồng phù hợp nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, cuối năm 2021, sau khi được Hội LHPN xã cho vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, cùng với 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Thảo đã quyết định chặt bỏ diện tích cây ca cao, cải tạo lại đất để trồng rau, quả. Chị gieo trồng các loại đậu ve, dưa leo, cà chua…

Chỉ sau 3 tháng, vườn rau đã bắt đầu cho thu hoạch. Vào thời điểm thu hoạch rộ, chị thu được khoảng 2,5 tấn rau, quả/ngày. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng/ngày. Mô hình kinh tế của gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 – 12 phụ nữ địa phương, với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày.

án bộ Hội LHPN xã Ea Na (bìa phải) trao vốn hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên.

Ngoài ra, Hội LHPN xã còn phát triển được 9 nhóm tiết kiệm ở các chi hội, giúp chị em có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất; tích cực hỗ trợ chăn nuôi ngan, cải tạo vườn tạp cho các chị em từ cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ dân tộc thiểu số”; trao vốn cho mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản; trao vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… tạo động lực cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Không chỉ tập trung nâng cao thu nhập cho hội viên, Hội LHPN xã còn xây dựng 25 mô hình, câu lạc bộ thu hút nhiều chị em tham gia hưởng ứng, tạo sự gắn kết, làm phong phú đời sống tinh thần của hội viên.

Chị Hòa Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Na cho biết, để tạo động lực cho phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt là phụ nữ nghèo, trong thời gian tới, Hội sẽ xây dựng tổ hợp tác may mặc ở thôn Ea Tung, tạo việc làm ổn định cho chị em địa phương. Đồng thời, lan tỏa cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ dân tộc thiểu số” ở 4 buôn trên địa bàn xã, cải thiện kinh tế cho người dân; hỗ trợ các mô hình sinh kế; vận động chị em thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, vươn lên ổn định cuộc sống.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.