Multimedia Đọc Báo in

Chờ những cái “bắt tay” liên kết sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp

06:15, 05/07/2022

Chính thức khai mạc ngày 8/7/2022, Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 sẽ được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột với nhiều hoạt động quan trọng. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu về hợp tác, giao thương.

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 là điểm đến của hơn 100 doanh nghiệp cung cấp/thu mua nông sản, mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương và hứa hẹn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, địa phương, doanh nghiệp, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản; góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh, khu vực Tây Nguyên, nhất là các sản phẩm đặc trưng, giúp phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của nông dân.

Sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk tham dự một sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn. Ảnh: TTXTTM

Thông qua hội nghị kết nối giao thương năm nay, Ban tổ chức mong muốn quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao được thu hoạch, sơ chế và đóng gói theo dây chuyền hiện đại, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP; những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương và con người Đắk Lắk đến với du khách trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Ban tổ chức sẽ bố trí 10 - 15 bàn kết nối giao thương cho các đơn vị, doanh nghiệp thu mua nông sản bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống nông sản sạch trên toàn quốc; các hệ thống siêu thị và chuỗi nông sản sạch: BigC Go, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Mega Market, Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc...; đặc biệt là các doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, hội nghị cũng thu hút sự quan tâm của các sàn thương mại điện tử (Alibaba, Voso, Tiki, Felix...), các đơn vị chuyển đổi số (VNPT, Viettel...) và các đơn vị dịch vụ logistisc...

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên nhiều trang thông tin đại chúng như: Báo Đắk Lắk, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Trung tâm Tin tức VTV8; Trang thông tin điện tử của tỉnh Đắk Lắk, Sở Công thương, Cục Xúc tiến thương mại; các trang mạng xã hội và băng rôn, cờ phướn… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp, thương lái biết thêm về thông tin và có cơ hội tiếp xúc, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản.

Hoạt động giao thương giữa các hợp tác xã của tỉnh Đắk Lắk và Trà Vinh.

Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, với quy mô 44 gian hàng của 36 đơn vị. Đây chủ yếu là những sản phẩm đặc trưng, chủ lực của 7 tỉnh thành khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đến thời điểm này đã có 242 đại biểu của 139 đơn vị đăng ký tham gia; trong đó 7 địa phương đăng ký tham gia, gồm: Lào Cai, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông và An Giang; 13 đơn vị mua là các siêu thị, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị rất chờ đón Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022. Có thể nói, sự kiện này sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương và hứa hẹn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp địa phương. Tại hội nghị, dự kiến có nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa các đối tác sẽ được ký kết.

Đến giờ phút này, đơn vị thực hiện chương trình là Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công thương Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thiện công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho những hoạt động của hội nghị.

Kao Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.