Multimedia Đọc Báo in

Gỡ “vướng” trong giải ngân vốn đầu tư công

11:30, 15/07/2022

Qua 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh còn thấp. Để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này trong những tháng cuối năm, nhiều giải pháp đã được các đại biểu bàn thảo, đề ra tại Kỳ họp thứ tư, HĐND khóa X diễn ra trong hai ngày 13 và 14/7.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Theo báo cáo tại kỳ họp, nguồn vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 614,586 tỷ đồng, đến ngày 30/6 mới giải ngân được 35,759 tỷ đồng, đạt 5,81% kế hoạch, số vốn còn lại chưa giải ngân là 578,827 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch năm 2022 phân bổ cho các dự án và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ là 3.682,35 tỷ đồng (không tính nguồn vốn đầu tư qua Bộ, ngành Trung ương và ngân sách huyện, xã), đến ngày 30/6 đã giải ngân 690,220 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch và cao hơn cùng kỳ năm 2021 của tỉnh là 0,69% (cùng kỳ 19,31%).

Lý giải một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà cho rằng: Đối với nguồn vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022: Về nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA (237,296 tỷ đồng) do mới được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài trong tháng 5 và tháng 6/2022, tức là Trung ương cho phép; còn nguồn ngân sách địa phương thì theo quy định của luật thì phải đến hết ngày 31/3 mới đối chiếu để hoàn thành kế hoạch thực hiện của năm trước; và như vậy trong tháng 4, UBND tỉnh cũng đã kịp thời trình HĐND tỉnh để ban hành nghị quyết cho kéo dài thời gian thực hiện. Do vậy, từ tháng 4 đến ngày 30/6 thì việc triển khai giải ngân vốn này trong thời gian rất ngắn. Mặc khác, một số vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng của các dự án thực hiện từ năm 2021 trở về trước cũng mới được tháo gỡ xong, cho nên ảnh hưởng đến việc giải ngân.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực giải ngân, có ý thực hiện giải ngân trước nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 để tăng tỷ lệ giải ngân năm 2022 mà chưa quan tâm nhiều đến kế hoạch vốn kéo dài của năm 2021; một số chủ đầu tư chậm tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành, cũng như quyết toán các dự án đã hoàn thành, cho nên dẫn đến chưa đủ thủ tục để giải ngân.

Thi công đường Đông Tây Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Nguyễn Gia

Một số dự án khởi công mới từ năm 2020, sang năm 2022 đang trong quá trình thực hiện hoàn ứng khối lượng đã thanh toán năm 2020 nên chưa thực hiện giải ngân năm 2022. Ngoài ra, một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng được bố trí trong kế hoạch năm 2021, hiện các chủ đầu tư còn đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán nên chưa thực hiện giải ngân số vốn kéo dài. Thêm vào đó, một số dự án phải dừng để điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do các nội dung phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân…

Đối với vốn thuộc kế hoạch năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà cũng khẳng định công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất chậm. Nguyên nhân chính là do các chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Có nhiều dự án thì phương án giải phóng mặt bằng không được lập ngay từ đầu, có những trường hợp vừa thi công, vừa lập dự án giải phóng mặt bằng, dẫn đến mặt bằng bàn giao cho các nhà thầu thi công rất chậm; hoặc có những dự án, chủ đầu tư chưa ưu tiên vốn dành cho giải phóng mặt bằng, mà thực hiện việc ứng vốn cho các nhà thầu thi công trước, còn giải phóng mặt bằng thì thiếu vốn…

 
Một nguyên nhân rất quan trọng, nhiều năm qua chúng ta vẫn vướng và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đó là công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm. Có nhiều dự án khi triển khai thì bị vướng ở giải phóng mặt bằng, làm chậm trễ, mất rất nhiều thời gian. Do vậy đề nghị UBND tỉnh ngay từ khi lập các bước dự án phải xác định rõ được kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp khi phê duyệt dự án rồi đến lúc triển khai lại phát sinh thêm kinh phí giải phóng mặt bằng, rồi lại phải quay trở lại điều chỉnh dự án…”
 
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng

Một số nguyên nhân khác như: thiếu đất đắp cho công trình; biến động về vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến một số nhà thầu thi công hoạt động cầm chừng cũng như chi phí tăng ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư, dự toán, giá gói thầu xây dựng cũng đã ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án, làm chậm tiến độ giải ngân...

Tập trung gỡ “vướng”

Nhằm khắc phục, gỡ "vướng" cho công tác giải ngân, ngày 23/6/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1411/QĐ-UBND thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh cho từng dự án. Dự kiến trong tháng 7, đầu tháng 8 này, các tổ công tác sẽ làm việc với từng chủ đầu tư để tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo 321 của tỉnh kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt và có lộ trình cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; rà soát, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt…

Đường tránh phía Đông Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc. Ảnh minh họa: Nguyễn Gia

Đóng góp ý kiến về các giải pháp cho vấn đề này, một số đại biểu cũng cho rằng, để “tăng tốc” tiến độ giải ngân cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án, công trình, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của dự án/công trình; tạo điều kiện cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án, công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công…

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, UBND tỉnh cần sớm đề nghị phân bổ nguồn vốn cho các chương trình để thực hiện mục tiêu đề ra; đồng thời chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trong đó xác định vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng có sự phối hợp đồng bộ để quản lý, thực hiện tốt công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thu biện pháp tài chính đảm bảo kịp thời nguồn vốn đầu tư công…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.