Multimedia Đọc Báo in

Liên kết sản xuất để nâng cao giá trị nông sản

08:55, 19/07/2022

Được thành lập vào tháng 5/2020, đến nay Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Mẫn ở xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) đã đi vào hoạt động ổn định, từng bước khẳng định hiệu quả của kinh tế tập thể.

HTX Nông nghiệp Thuận Mẫn có 14 thành viên, với diện tích 22 ha, canh tác các cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... Với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu có sẵn và người dân có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, HTX đang sản xuất, chế biến những sản phẩm đặc sản truyền thống như: cà phê, tiêu đen, mật ong, tinh bột nghệ…

Ông Tạ Ngọc Kiều, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thuận Mẫn chia sẻ: “Trước đây người dân chủ yếu nuôi trồng tự phát, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Bởi vậy, ngay khi thành lập, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tư duy canh tác, thực hiện liên kết, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm”.

Hệ thống máy rang xay cà phê nguyên chất của Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mẫn (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo).

Để có nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, toàn bộ các khâu từ nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, bảo đảm nguyên tắc “ba không”: không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp; đối với cà phê khi tỷ lệ quả chín đạt trên 90% mới tiến hành thu hoạch. Các thành viên sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát lẫn nhau về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. 

HTX đi vào hoạt động giúp hội viên yên tâm và tin tưởng vào đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển sản xuất. Sau khi tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi ong do HTX giới thiệu, ông Vũ Văn Đoàn (thôn 9, xã Cư Mốt) vận dụng chăm sóc 250 thùng ong của gia đình.

Nhờ tuân thủ kỹ thuật nuôi ong theo quy trình VietGAP nên đàn ong của gia đình ông sinh trưởng mạnh, ít mắc bệnh, cho mật ngọt đậm, thơm, màu sắc đẹp mắt. Năm 2021, ông Đoàn thu 10 tấn mật ong cà phê (tăng 10% so với năm trước). Năng suất tăng, lại không còn lo đầu ra cho sản phẩm, năm vừa qua, ông Đoàn cùng con trai mạnh dạn tăng quy mô thêm 250 thùng ong. 

Ông Tạ Ngọc Kiều, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thuận Mẫn giới thiệu sản phẩm mật ong thành phẩm do HTX sản xuất.
 
Để nâng cao giá trị sản phẩm, đầu năm 2022, HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại chế biến sâu hai dòng sản phẩm chủ lực là cà phê rang xay nguyên chất và mật ong; từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của HTX”.
 
Ông Tạ Ngọc Kiều, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mẫn

Tương tự, gia đình ông Nông Văn Tiến (thôn 9, xã Cư Mốt) có 3 ha trồng chủ lực cây cà phê và xen một số cây ăn trái khác. Trước đây, gia đình ông phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nên giá cả rất bấp bênh. Sau khi tham gia liên kết sản xuất với HTX, ông Tiến được tiếp cận phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách hợp lý và ghi chép nhật ký thường xuyên.

Điều phấn khởi là sản phẩm sau thu hoạch được HTX thu mua với giá ổn định. Hiện tại, với sản lượng mỗi năm đạt 12 tấn cà phê, gia đình ông Tiến có thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. 

Niên vụ 2021 - 2022, HTX Nông nghiệp Thuận Mẫn cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn cà phê, 40 tấn hạt tiêu, 20 tấn mật ong… với chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bên cạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình do địa phương tổ chức; bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống phân phối, cũng như các trang mạng xã hội… 

Ông Võ Văn Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Mốt đánh giá, hoạt động của HTX Nông nghiệp Thuận Mẫn bước đầu mang lại hiệu quả với vai trò là “cầu nối” tiếp thu, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật đối với cây trồng, góp phần đưa nông sản địa phương phát triển theo hướng bền vững. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giúp xã viên yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro, góp phần phát huy vai trò của HTX trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.