Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn: Cần thêm nguồn lực
Thời gian qua, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định được vị thế. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) vẫn còn nhiều khó khăn.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Đây là lần thứ ba địa phương tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và đã có 15 sản phẩm của 13 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tại huyện Krông Ana, Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar, Ea Súp, Krông Búk, Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột được vinh danh.
Ở các đợt bình chọn năm 2017 và 2019, đã có 14 sản phẩm của 8 doanh nghiệp, cơ sở được tôn vinh cấp tỉnh; 10 sản phẩm của 7 đơn vị được tôn vinh ở cấp khu vực; 4 sản phẩm của 3 đơn vị được vinh danh cấp quốc gia.
Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đã từng bước khẳng định được vị thế. (Trong ảnh: Sản phẩm tinh dầu và nông sản chế biến của Công ty TNHH Sachi Cao Nguyên tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại do ngành công thương tổ chức). |
Chương trình này nhằm tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao và tiềm năng phát triển. Qua đó, đã tạo hiệu ứng tích cực, khuyến khích các cơ sở CNNT tiếp tục đầu tư, xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị để tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), các sản phẩm CNNT tiêu biểu tập trung nhiều ở nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, sản, vật liệu xây dựng và thực phẩm. Đây là những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã, bao bì chất lượng, phong phú, trong đó có nhiều sản phẩm của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Các sản phẩm CNNT tiêu biểu được cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm; hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, chủ cơ sở có sản phẩm được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm.
Cụ thể, qua các đợt bình chọn, các cơ sở sản xuất có sản phẩm được tôn vinh đã được hỗ trợ 4 đề án khuyến công để đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tổng kinh phí 750 triệu đồng, trong đó, 2 đề án khuyến công địa phương (Hỗ trợ máy móc thiết bị sơ chế hạt điều, công suất 1.000 tấn nguyên liệu/năm tại Công ty TNHH MTV Cà phê An Thịnh Phát, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, kinh phí 100 triệu đồng và Hỗ trợ máy móc, thiết bị trong sản xuất, chế biến gạo, công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar, kinh phí 150 triệu đồng); 2 đề án khuyến công quốc gia (Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất ngói màu không nung, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ tại huyện Ea Kar, kinh phí 200 triệu đồng và Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê hòa tan cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, kinh phí 300 triệu đồng).
Những đề án này đã góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp thay đổi máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất, đóng gói, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Qua các đề án đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, cái lợi lớn nhất của chương trình khuyến công là tạo động lực, khuyến khích, động viên các đơn vị CNNT đầu tư sản xuất sạch hơn; đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở CNNT về vai trò của hoạt động khuyến công.
Hỗ trợ dây chuyền sản xuất tôn cho cơ sở sản xuất tại huyện Ea Súp từ chương trình khuyến công địa phương năm 2021. |
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn đã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, các cơ sở CNNT phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính có hạn, trong khi kinh phí đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT còn hạn chế. Do đó, để phát triển sản phẩm CNNT, rất cần thêm kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực đầu tư khác cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Về phía Sở Công thương, giải pháp trong thời gian tới là chủ động phối hợp cùng với các huyện, thị, thành phố, tìm hiểu thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển thương hiệu, gắn phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu với phát triển du lịch để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương, qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Ngành công thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Với những sản phẩm được công nhận sẽ tư vấn, định hướng và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả từ các hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó, phối hợp các chương trình khác của tỉnh như: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… nhằm tìm kiếm sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng, lợi thế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phát triển.
5 năm qua, Sở Công thương đã thực hiện được 62 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, trong đó, 5 đề án hỗ trợ bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, 57 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng. |
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc