Multimedia Đọc Báo in

Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

14:29, 06/07/2022

Sáng 6/7, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 6-2022 theo hình thức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Các đồng chí: Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Võ Văn Cảnh và H’Yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển ổn định. Nhiều chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể: Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước thực hiện trên 23.623 tỷ đồng (bằng 41,98% kế hoạch, tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2021); huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện trên 13.605 tỷ đồng (bằng 41,48% kế hoạch, tăng 5,26% so với cùng kỳ năm 2021); tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 845 triệu USD (bằng 70,4% kế hoạch, tăng 61,7% so cùng kỳ năm 2021); tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt trên 4.860 tỷ đồng (bằng 59,28% kế hoạch HĐND tỉnh giao và 72,9% dự toán Trung ương giao, tăng 35,97% so với cùng kỳ năm 2021); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện trên 51.138 tỷ đồng (bằng 56,51% kế hoạch, tăng 16,68% so cùng kỳ năm 2021)...

Các đại biểu tham dự phiên họp.
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Công tác cải cách hành chính của tỉnh đạt được kết quả tích cực, các chỉ số PAR Inder, PAPI, PCI năm 2021 của tỉnh đều tăng hạng so với năm 2020. Các hoạt động văn hóa – thể thao và du lịch, công tác an sinh xã hội và hỗ trợ người nghèo tiếp tục được quan tâm, thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong  6 tháng đầu năm vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra; các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu kết luận tại phiên họp.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan cần tiếp tục tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt; thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022.

Trong đó, quan tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tích cực triển khai công tác thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, đảm bảo giải ngân đúng kế hoạch; tăng tốc hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh; quan tâm công tác thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực; tập trung thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung phục hồi kinh tế trong lĩnh vực du lịch; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8; triển khai kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022.

Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch COVID-19, đồng thời tăng độ bao phủ vắc xin; tiếp tục hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; quan tâm đến công tác tiếp công dân, đối thoại và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.