Hậu COVID-19: Doanh nghiệp khởi nghiệp cần gì?
Các công ty khởi nghiệp là một trong những đối tượng doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ bị tổn thương nhất khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Hậu COVID-19, dù Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ nhưng các DN, cá nhân khởi nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.
Đối mặt với đại dịch, DN vừa gặp khó khăn trong việc “đối ngoại” là phải tìm cách để duy trì hoạt động, vừa khó khăn trong “đối nội” khi phải giải quyết hàng loạt các vấn đề trong nội bộ DN, như việc cắt giảm lao động và giảm lương. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các đối tác hay ngân hàng có tâm lý dè chừng về khả năng thanh toán của DN, đặc biệt là DN trẻ, DN khởi nghiệp. Do hậu quả của cuộc khủng hoảng mang tên “COVID-19”, nhiều dự án kinh doanh mới rơi vào “vùng đỏ” với khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động.
Chị Lê Thị Thư (SN 1991, ở thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’Drắk (bên trái)) nghiên cứu tinh chất từ nghệ cho Dự án nâng cao giá trị củ nghệ bản địa. Ảnh: Hoàng Gia |
Không chỉ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hay các hỗ trợ khác của Chính phủ mà việc các đối tác bị “rơi rớt” trong đại địch cũng khiến nhiều DN trẻ, DN khởi nghiệp phải đau đầu. Công ty TNHH Yaris chuyên sản xuất các loại tinh dầu cũng “ngủ đông” khá dài trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Bà Hoàng Thị Thơm, Giám đốc công ty chia sẻ, sau khi tái khởi động sau dịch, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại doanh thu và tìm đối tác vì nhiều đơn vị đã nghỉ kinh doanh.
Đại biểu tham quan các sản phẩm tại gian hàng khởi nghiệp do Huyện Đoàn Buôn Đôn tổ chức. Ảnh: Khả Lê |
Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật để hỗ trợ kịp thời cho các DN trước những hệ lụy của dịch bệnh, tuy nhiên quá trình triển khai chính sách vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức nhất định. Đặc biệt, đối với các DN khởi nghiệp, việc tiếp cận các chính sách này còn khá hạn chế. Chính vì vậy, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về mặt tài chính để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho các DN là điều vô cùng quan trọng, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, điều cần thiết nhất đó là phải có những thay đổi về các điều kiện của chính sách nhằm mở rộng phạm vi đối tượng DN được hỗ trợ, bởi dù ít hay nhiều thì các DN đều bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc