Multimedia Đọc Báo in

Liên kết sản xuất nông sản chất lượng cao

08:12, 30/08/2022

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Ea Súp đã hình thành những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng trên cơ sở tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương.

Huyện Ea Súp có nhiều hồ nước lớn, với nguồn sản vật dồi dào như ốc bươu đen, cá thát lát… Trước đây, việc khai thác giá trị những sản phẩm này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ theo kiểu "tự sản tự tiêu", nên hiệu quả không cao. Nhận thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất thực phẩm An Phú (thị trấn Ea Súp) là đơn vị đầu tiên phát triển các sản phẩm thủy sản chế biến theo quy mô hàng hóa.

HTX đã liên kết với người dân địa phương tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chế biến từ ốc bươu đen và cá thát lát. Theo đó, người dân có diện tích mặt nước được hỗ trợ về con giống, thức ăn để nuôi ốc, cá và HTX bao tiêu sản phẩm lâu dài. Nguồn thủy sản phải được cho ăn sản phẩm tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp; sản phẩm phải đạt kích thước, trọng lượng chuẩn, không có dư lượng các chất cấm.

Khu vực trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất thực phẩm An Phú. Ảnh: Minh Thông

Bà Nguyễn Thị Phương Ly, Giám đốc HTX cho biết, để bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, cá thát lát sau khi đánh bắt được cấp đông, không dùng phụ gia công nghiệp trong quá trình chế biến, bảo quản bảo đảm tươi ngon. Sản phẩm ốc bươu cũng sử dụng gia vị tự nhiên để ốc thành phẩm đạt độ dai, giòn, vị ngọt. Cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận kiểm nghiệm thực phẩm, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. 3 sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; đối với Chả ốc Ea Súp nhồi ống nứa và Chả cá thát lát Ea Súp được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022. Mỗi tháng, đơn vị xuất ra thị trường hơn một tấn sản phẩm từ ốc bươu và cá thát lát, cung cấp cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương với thu nhập 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

HTX Giảm nghèo Ea Súp được thành lập năm 2019 tiếp nối các hoạt động đã được thực hiện trong Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên với mục tiêu gắn kết bà con nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhận thấy địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây lúa, HTX xác định hướng đi chủ lực là sản xuất lúa gạo hữu cơ, đặc sản. Đến nay, đơn vị đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với 95 hộ dân và 170 ha đất trồng lúa.

Bên cạnh các giống lúa ST24, ST25, HTX đã sản xuất các loại lúa có giá trị cao như Khâu xiên lăm của người Thái (diện tích 30 ha), Briêt của người Êđê (6 ha).

Đây là những giống lúa gạo đặc biệt của địa phương và người dân các tỉnh phía Bắc đưa vào, phù hợp với khí hậu, đất đai vùng này. Lúa gạo ở đây được trồng theo quy trình hữu cơ, đảm bảo TCVN 11041:2017, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ.

Lúa sau khi phơi được xay xát bằng máy xát liên hoàn tự động, cho ra những hạt gạo đen đẹp, đều và sẽ được chọn lọc thông qua công nghệ tách màu hạt, không đánh bóng, không sử dụng chất bảo quản nhằm bảo đảm nguồn dinh dưỡng cũng như an toàn cho sức khỏe cho người tiêu dùng. Những loại gạo này cho cơm dẻo, thơm ngon, để nguội không bị thiu, cứng cơm như các sản phẩm khác. Sản phẩm Gạo Briêt của HTX đã được tôn vinh là Sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh và Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.

Sản phẩm của Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp tham dự một sự kiện xúc tiến thương mại nông sản. Ảnh: Minh Đức

Theo ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, mặc dù quy mô chưa thật lớn, nhưng những mô hình liên kết sản xuất trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả tích cực là giúp nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu. Trong năm nay, địa phương sẽ tập trung xây dựng, phát triển 1 – 2 sản phẩm đạt 3 – 4 sao OCOP cấp tỉnh; tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu theo chuỗi giá trị và hoàn thiện các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp, HTX.

Bên cạnh đó, từ vụ đông xuân 2021 – 2022, huyện triển khai mô hình cánh đồng mẫu lúa lớn với diện tích 890,7 ha của 1.128 hộ dân tại các xã Ea Bung, Ya Tờ Mốt, Ea Lê, Ea Rốc và Ia Jlơi; đồng thời, hỗ trợ sản xuất theo mô hình VietGAP trên diện tích 165 ha lúa tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Công (xã Ya Tờ Mốt) với 23 hộ tham gia.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.