Đội vốn hàng trăm tỷ đồng: Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa bộc lộ nhiều bất cập
Sau hơn 2 năm khởi công, Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, việc chậm triển khai thực hiện dự án cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Đội vốn hàng trăm tỷ đồng
Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 30/10/2018; điều chỉnh tại Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 và Quyết định số 3083/QĐ-UBND ngày 17/12/2020, với tổng mức đầu tư 305,5 tỷ đồng. Dự án có 2 công trình hồ chứa, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk). Dự án chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018 – 2020, kinh phí thực hiện gần 163 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2021 – 2022, kinh phí thực hiện trên 143,3 tỷ đồng.
Hạng mục hồ Yên Ngựa bỏ dở đã lâu, thấy rõ dấu hiệu lãng phí tài sản nhà nước. |
Theo quyết định phê duyệt, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022, nhưng do thiếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) nên vẫn “dậm chân tại chỗ”. Các hộ dân có đất thu hồi tại hạng mục hồ Yên Ngựa, xã Cư Êwi dù đã bàn giao đất để triển khai dự án nhưng 2 năm trôi qua, nhiều hộ vẫn “mỏi mòn” chờ đền bù, không có đất canh tác, cũng không có tiền để mua nương rẫy khiến họ bức xúc khiếu kiện đến các cấp, ngành.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin cho biết, để hoàn thành GPMB toàn bộ hạng mục hồ Yên Ngựa cần bổ sung vốn 94,7 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã thực hiện hoàn thành, phê duyệt 4 phương án GPMB, với tổng diện tích thu hồi 38,2 ha. Ban tỉnh đã chuyển kinh phí GPMB cho Trung tâm là 34,8 tỷ đồng, thiếu so với phương án phê duyệt 37,5 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại của phương án GPMB đợt 5 khoảng 40 tỷ đồng, đợt 6 khoảng 13,2 tỷ đồng, tính thêm tiền chậm chi trả khoảng 4 tỷ đồng.
Nói về nguyên nhân dự án thực hiện không đúng tiến độ theo quy định, các sở, ngành liên quan cho rằng việc lập, thẩm định và trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi không bám sát chủ trương đầu tư, phê duyệt khác với quy mô được HĐND tỉnh chấp thuận, làm tăng quy mô chung của dự án nên không thể triển khai thực hiện được và phải điều chỉnh dự án. Mặt khác, khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi các đơn vị không tính đầy đủ diện tích cần thu hồi, tài sản trên đất để tính đủ giá trị phải đền bù, hỗ trợ. Do đó, tổng mức đầu tư theo đề xuất mới nhất của chủ đầu tư “đội” từ 305,5 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng (tăng 174,5 tỷ đồng so với tổng mức phê duyệt ban đầu). Trong đó, chủ yếu vốn thực hiện công tác GPMB từ mức 47,8 tỷ đồng, đề nghị tăng lên hơn 181 tỷ đồng (tăng khoảng 133 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với phê duyệt của tỉnh).
Người dân xã Cư Êwi thẫn thờ trước vườn cà phê khô héo, trong khi tiền đền bù giải phóng mặt bằng vẫn "bặt tăm hơi". |
Trong khi đó, tổng giá trị hợp đồng xây lắp chủ đầu tư đã ký với các nhà thầu giai đoạn 1 cũng tăng lên từ 163 tỷ đồng lên 198,3 tỷ đồng (tăng 35,3 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng giá trị hợp đồng xây lắp là do chủ đầu tư tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng các gói thầu xây lắp vượt mức kinh phí giai đoạn 1 đã phê duyệt; không thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh.
Vốn tạm ứng “chênh” với khối lượng thực hiện
Tính đến ngày 19/8/2022, tổng giá trị khối lượng hoàn thành của dự án mới được 13,83/198,3 tỷ đồng, tỷ lệ 6,97%, trong khi tổng số vốn chủ đầu tư đã cho các đơn vị thi công tạm ứng là 92,3 tỷ đồng, tỷ lệ 46,55%. Quá trình thực hiện đến nay mới hoàn ứng được 3,79 tỷ đồng, số vốn tạm ứng còn lại chưa thu hồi là 88,51 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Ban tỉnh về tình hình triển khai Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa.
Tin tưởng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, người dân xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) mỏi mòn chờ tiền đền bù. |
Qua khảo sát Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa thấy rõ sự lãng phí về đầu tư công trình, từ vấn đề chậm triển khai, chậm hoàn thành dự án, đến tăng tổng mức đầu tư ở giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 đến nay vẫn chưa hoàn thành thì giai đoạn 2 sẽ như thế nào, thời gian tới khi giá cả vật liệu leo thang, dự án sẽ không biết phải điều chỉnh thêm bao nhiêu lần?”. Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thị Xuân
|
Qua khảo sát thực tế tại hạng mục hồ Yên Ngựa, xã Cư Êwi, Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thị Xuân chỉ rõ: tại thời điểm khảo sát (tháng 3/2022), lũy kế vốn bố trí đến nay của dự án là 155,4/305,5 tỷ đồng (đạt 50,87%), trong đó ngân sách Trung ương 104,384 tỷ đồng, ngân sách địa phương 51,039 tỷ đồng đều đã giải ngân 100%. Trong khi đó, ở giai đoạn 1, tại gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đầu mối hồ chính hồ Yên Ngựa có giá trị hợp đồng xây lắp trên 44 tỷ đồng, đã giải ngân trên 23 tỷ đồng, bao gồm giá trị khối lượng hoàn thành trên 1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,65% trong khi giá trị tạm ứng là trên 21 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 48%. Hay như gói thầu thi công xây dựng hệ thống kênh chính hồ Yên Ngựa, giá trị giải ngân đạt 73,9%, trong khi đó giá trị khối lượng hoàn thành mới đạt 36,6%, giá trị tạm ứng 37,2%. “Số tiền tạm ứng lớn như vậy thì sử dụng như thế nào? Lý do vì sao Ban tỉnh lại ứng với giá trị lớn trong khi khối lượng hoàn thành trong xây lắp khá nhỏ?”- bà Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi.
Nhằm đánh giá lại hiệu quả dự án, bảo đảm quyền lợi cho người dân, tránh tạo "điểm nóng" về an ninh trật tự, trong chuyến làm việc với huyện Cư Kuin vào tháng 7 vừa qua, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung làm Trưởng đoàn đã trao đổi, thảo luận với các sở, ban, ngành và huyện Cư Kuin các vấn đề xoay quanh việc triển khai thực hiện dự án. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đã giao Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của việc triển khai dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; giao ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương đánh giá lại hiệu quả dự án, báo cáo kết quả để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc