Hiện thực hóa thương hiệu “Sầu riêng Cư Kuin”: Triển vọng từ các chuỗi liên kết
Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, huyện Cư Kuin đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sầu riêng, nhất là trong bối cảnh sầu riêng Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Lê Phú Hanh cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 865 ha cây ăn trái, sản lượng ước đạt trên 10.000 tấn, chủ yếu là sầu riêng với khoảng 600 ha. Tuy nhiên, hiện ngành trái cây nói chung, cây sầu riêng nói riêng trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, diện tích không tập trung.
Thời gian qua, các cấp, ngành của huyện Cư Kuin đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để từng bước hiện thực hóa thương hiệu “Sầu riêng Cư Kuin”, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh hiệu quả liên kết “4 nhà”: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông, nhất là trong thời điểm Trung Quốc ban hành Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Thành viên Hợp tác xã Vạn Xuân chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng. |
Theo đó, nhằm xây dựng lộ trình dài hơi, UBND huyện đã triển khai kế hoạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện với mục tiêu: duy trì và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có sẵn; lựa chọn các sản phẩm chủ lực của huyện như hồ tiêu, cây ăn trái các loại như sầu riêng, vải thiều, chanh dây… để triển khai chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, qua đó, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) tham gia chuỗi liên kết được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, hữu cơ và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm…
Việc xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như HTX, nhóm hợp tác; nâng cao chất lượng mối liên kết giữa nông dân - HTX – doanh nghiệp, phối hợp thực hiện tốt các chính sách đầu tư, khuyến khích của Chính phủ để phát triển nền nông nghiệp bền vững cũng được huyện chú trọng. Đối với những hộ có diện tích trồng sầu riêng nhỏ, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân liên kết lại với nhau thành lập HTX hay tổ hợp tác với diện tích đủ lớn, chuyển giao khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn để đủ điều kiện cấp mã vùng trồng.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Lam (thôn 3, xã Ea Tiêu) có hơn 1 ha cà phê trồng xen khoảng 100 cây sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch. Ông Lam cho hay, sầu riêng tại huyện Cư Kuin từ trước đến nay luôn được thương lái ưa chuộng và đánh giá có vị thơm ngon đặc trưng, tuy nhiên, loại trái cây này chỉ được thu mua, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả bấp bênh. Sau khi sầu riêng được cho phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, phổ biến điều kiện để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch cho người dân nắm bắt kịp thời. Hiểu lợi ích cũng như con đường dài cho sự phát triển của loại cây giàu tiềm năng này, ông Lam cùng nhiều người dân đã tham gia HTX Vạn Xuân, sẵn sàng tuân thủ quy trình canh tác đã thỏa thuận, đảm bảo yêu cầu từ phía đối tác đưa ra.
Cùng gắn kết để sản xuất, tiêu thụ
Tại Hội nghị triển khai công tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng do UBND huyện Cư Kuin tổ chức tháng 7 vừa qua, HTX Sản xuất và Thương mại, Dịch vụ nông nghiệp Vạn Xuân đã ra mắt với gần 300 thành viên là người trồng sầu riêng tại địa bàn, đồng thời tiến hành ký kết biên bản hợp tác giữa HTX Vạn Xuân và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng. Ngay sau lễ ký kết, UBND huyện đã yêu cầu các bên bắt tay ngay vào công việc, đồng thời tuân thủ các quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, theo đúng thương hiệu đã đăng ký cung ứng cho thị trường.
Một mô hình xen canh sầu riêng tại thôn 3, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. |
Việc tập hợp nông dân trồng sầu riêng thành các tổ chứcsản xuất, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, song song với xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sầu riêng là hướng đi bền vững và là cơ sở, nền tảng quan trọng trên con đường hiện thực hóa thương hiệu “Sầu riêng Cư Kuin””. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Lê Phú Hanh
|
Theo bà Hà Thị Hạ Huyền, Chủ tịch HĐQT HTX Vạn Xuân, để bảo đảm việc quy hoạch vùng trồng sầu riêng, HTX và người dân đã thiết lập bản thỏa thuận về việc tham gia HTX và quy hoạch vùng trồng. Cụ thể: nông dân sẽ được tập huấn miễn phí về các phương pháp canh tác và sản xuất sầu riêng theo hướng chính ngạch có chứng nhận; được hỗ trợ thủ tục, hồ sơ thành lập mã số vùng trồng miễn phí do HTX và công ty liên kết đứng ra tổ chức và thiết lập; được hỗ trợ cập nhật nhật ký điện tử miễn phí trong quá trình sản xuất. Đồng thời, có cơ hội bán sầu riêng chính ngạch có chứng nhận theo chính sách cập nhật hằng năm của công ty mà HTX đứng ra liên kết.
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của sầu riêng Cư Kuin trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Lê Anh Trung đại diện Công ty Dũng Thái Sơn khẳng định: “Chỉ có liên kết sản xuất mới có thể tạo ra thị trường lớn cho sầu riêng. Để chuẩn bị cho lộ trình dài hơi, Công ty Dũng thái Sơn và HTX Vạn Xuân đã gặp gỡ bàn bạc, thảo luận, đóng góp, xây dựng nhiều nội dung từng bước hoàn thiện hồ sơ của HTX trình Cục Bảo vệ thực vật. Với sự trợ lực từ chính quyền địa phương, sự đồng thuận quyết tâm của người dân và liên kết bền chặt với doanh nghiệp, kỳ vọng HTX Vạn Xuân sẽ phát triển lớn mạnh, trở thành “cánh chim đầu đàn” của huyện trong sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đưa sầu riêng Cư Kuin có mặt tại thị trường tỷ dân Trung Quốc”.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc