Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Dấu ấn từ các chương trình, chính sách dân tộc

11:39, 23/09/2022

Tập trung triển khai, lồng ghép nguồn lực, phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã tạo động lực và dấu ấn đổi thay, phát triển rõ nét tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn, buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Ea Kar, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiệu quả từ lồng ghép các chương trình, chính sách

Cư Yang là một trong 6 xã vùng III của huyện Ea Kar. Toàn xã hiện có 5 thôn đặc biệt khó khăn. Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Yang Nguyễn Văn Vỹ, thực hiện chương trình, chính sách dân tộc, xã đã chỉ đạo tăng cường lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan, tổ chức họp dân công khai các hạng mục, công trình được đầu tư, hỗ trợ để nhân dân nắm và cùng thực hiện, đồng thời giao trách nhiệm cho cấp ủy, ban tự quản phối hợp triển khai, kiểm tra, giám sát. Nhờ vậy, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của người dân và tạo sự đổi thay rõ rệt về bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã.

Hạ tầng xã vùng III Cư Bông (huyện Ea Kar) được đầu tư từ lồng ghép các nguồn lực.

Đơn cử như tại thôn 14, từ nguồn vốn của Chương trình 135 và vốn lồng ghép của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, thôn được đầu tư và hưởng lợi tuyến đường liên thôn, đường nội đồng. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 14 Lăng Văn Sơn cho hay: Cùng với sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, người dân trong thôn còn được tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống phát triển sản xuất, những hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, cứu đói giáp hạt, học sinh cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ học tập. Nhờ vậy, đời sống của người dân dần được cải thiện, nhiều hộ đã làm được nhà kiên cố. Thôn 14 được công nhận thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn.

Không chỉ xã Cư Yang, tại các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện gồm: Ea Sar, Ea Sô, Cư Bông, Cư Prông, Cư Elang, việc thực hiện các chính sách dân tộc cũng đã được lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Từ năm 2016 đến cuối 2020, huyện Ea Kar đã huy động trên 64,6 tỷ đồng thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc để đầu tư xây mới và sửa chữa 90 công trình hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi, cấp đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo…

Thu hẹp khoảng cách vùng

Theo đánh giá của UBND huyện Ea Kar, các dự án thuộc Chương trình 135 đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn giảm hơn 6%/năm, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn tại các xã đang từng bước hoàn thiện với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; các công trình thủy lợi đáp ứng 87,4% nhu cầu tưới tiêu...

Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 17 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) phát triển cây cà phê từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, các chính sách dân tộc và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Chính phủ tích hợp và nâng lên thành Chương trình mục tiêu quốc gia (gọi tắt là Chương trình). Thực hiện Chương trình, huyện Ea Kar đã ban hành nghị quyết, kế hoạch với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030. Riêng trong năm 2022, từ dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình được UBND tỉnh giao là 11,7 tỷ đồng, cùng với việc đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, huyện tập trung triển khai giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số...

Với tính chất và quy mô bao quát, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến thực sự về tất cả mọi mặt trong đời sống, kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng khác.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ea Kar đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm; phấn đấu 65% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 80% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ tại các xã đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo tại vùng đặc biệt khó khăn và hộ nghèo dân tộc thiểu số tại các xã khu vực I.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.