Multimedia Đọc Báo in

Những tín hiệu vui từ canh tác bền vững

08:11, 12/09/2022

Trước những biến động giá cả hàng hóa nông sản, vật tư nông nghiệp liên tục, thời gian qua, cùng với hiệu ứng từ các phương tiện truyền thông, nông dân đang chủ động hơn trong việc ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững, quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái trong sản xuất nông nghiệp.

Với diện tích được mở rộng lên 450 ha chuyên canh và xen canh, 10 mã vùng trồng với khoảng 450 thành viên và nông dân liên kết, vụ sầu riêng năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) được đánh giá là đơn vị sản xuất sầu riêng uy tín với chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Người dân tham quan vườn sầu riêng sinh thái, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Lê Trung Hiệp (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc).

Ông Bùi Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, năm 2018, khi ông bắt tay vào chuyển đổi vườn sầu riêng của gia đình sang canh tác hữu cơ, nhiều người bảo ông điên! Nông dân trong vùng không tin được loại cây trồng khó tính như sầu riêng lại không cần dùng đến các giải pháp hóa học can thiệp tất cả các khâu bung cành, hãm đọt, kích hoa, dưỡng trái, phòng trừ sâu bệnh… Sau một thời gian thử nghiệm, ông Tín đã xây dựng được quy trình canh tác hoàn toàn bằng các loại phân bón, chế phẩm hữu cơ, sinh học để tạo ra trái sầu riêng đẹp, cân đối, thơm ngon, đảm bảo các tiêu chí khắt khe về độ an toàn để xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Vườn của gia đình ông Tín trở thành nơi để nhiều nông dân học hỏi, tham quan về mô hình canh tác an toàn cho chính người sản xuất và người sử dụng.

Từ thực tế canh tác của gia đình, ông Tín khẳng định việc ứng dụng các giải pháp hữu cơ, sinh học hợp lý không làm ảnh hưởng đến năng suất sầu riêng như nhiều nông dân lo ngại mà thậm chí từ năm thứ 3 trở đi, vườn sầu riêng hữu cơ còn có thể cho năng suất cao và ổn định hơn vườn canh tác bằng các giải pháp hóa học. Tại Hội chợ trưng bày, triển lãm các sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng dịp Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I, gian hàng của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc không bán bất cứ sản phẩm nào mà dành trọn không gian để giới thiệu đến nông dân về những trái sầu riêng hữu cơ và quy trình sản xuất của đơn vị. Hàng trăm nông dân ở trong và ngoài tỉnh đã đến nghe tư vấn và đăng ký thông tin vườn cây nhờ hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững của HTX.

Theo nông dân Đặng Văn Khoáng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc), những dịp hội chợ về nông nghiệp là cơ hội rất tốt cho nông dân tìm hiểu, tiếp cận những công nghệ mới, những sản phẩm mới hữu ích cho việc canh tác. Người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm an toàn và nông dân cũng cần canh tác an toàn để đảm bảo môi trường sống cho chính gia đình mình nên rất mong tìm được những sản phẩm phân bón, thuốc hữu cơ, sinh học có chất lượng, phù hợp với nhu cầu sản xuất, tìm được đơn vị cùng đồng hành, hỗ trợ nông dân canh tác bền vững.

Nông dân tìm hiểu sản phẩm phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Thị trong dịp Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ I, năm 2022.

Còn anh Y Andre Ktla (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) cũng chủ động tìm hiểu quy trình, kỹ thuật canh tác bền vững và ứng dụng trên vườn cây của gia đình. Anh cho hay, mặc dù rất kỳ vọng vào hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng khi bắt đầu trồng xen hơn 1 năm trước, song anh Y Andre không khỏi lo lắng với những đòi hỏi về kỹ thuật canh tác cao cũng như những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng. Chính vì vậy, anh đặc biệt quan tâm đến các gian hàng giới thiệu các sản phẩm phân bón, chế phẩm sinh học, hữu cơ và cũng rất vui mừng khi được các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tận tình giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại có thể sử dụng các giải pháp hữu cơ, sinh học thay thế cho các giải pháp hóa học trước đây.

 

Mùa sầu riêng 2022 là dấu mốc quan trọng khi HTX thu về sản lượng hơn 7.000 tấn sầu riêng hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan..., mở ra nhiều cơ hội cho đơn vị trong liên kết, hợp tác phát triển cũng như góp phần vì nền nông nghiệp bền vững mà địa phương đang hướng đến".

 
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc Bùi Tín

Không chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, tìm hiểu mà nông dân đã chủ động ứng dụng các giải pháp thay thế khi các loại phân, thuốc hóa học đã tăng giá gấp hai, ba lần chỉ trong vòng 1 năm qua. Với 3 sản phẩm chủ lực là phân gà sinh học, đạm cá thủy phân và chế phẩm tinh dầu Omega, doanh thu của doanh nghiệp ở thị trường Đắk Lắk ghi nhận tăng vọt từ khoảng tháng 2/2022 đến nay với mức tăng lên đến 140%  so với cùng khoảng thời gian của năm 2021. Theo anh Nguyễn Trường Thành, đại diện tại khu vực Tây Nguyên của Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Thị (trụ sở tại tỉnh Tiền Giang), các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học hiện nay đã được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng giai đoạn sản xuất nên nông dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, lợi thế về giá thành, chi phí đầu tư của các sản phẩm phân bón, thuốc hữu cơ, sinh học cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nông dân chuyển đổi dần sang canh tác bền vững trong thời gian tới.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.