Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Tân Hòa xuống giống hoa cúc vụ Tết

08:56, 14/09/2022

Còn hơn 5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng thời điểm này, những hộ trồng hoa cúc tại xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) đã bắt đầu xuống giống vụ hoa Tết.

Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Hoài Phương (thôn 5) đang tất bật sắp chậu, trộn đất, xuống giống hoa cúc vào chậu. Anh Phương cho biết: gia đình anh có 4 sào đất chuyên trồng hoa cúc chậu bán dịp Tết. Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, do sợ dịch COVID-19 bùng phát, sức mua giảm cũng như khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa nên gia đình anh chỉ trồng 500 chậu cúc. Song vào thời điểm Tết, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, lưu thông hàng hóa thuận lợi nên vườn cúc của gia đình anh “cháy hàng” và bán được giá khá cao. Với 500 chậu cúc, gia đình anh có lãi hơn 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Nguyễn Hoài Phương (thôn 5, xã Tân Hoà) chuẩn bị chậu xuống giống hoa vụ Tết.

Vụ hoa Tết Quý Mão 2023 sắp tới, gia đình anh Phương quyết định trồng 2.000 chậu cúc; trong đó, 200 chậu loại lớn và 1.800 chậu loại nhỏ. Đến nay, gia đình anh đã xuống giống được 80%. “Thời gian vừa qua, trời mưa nhiều, mát mẻ nên khá thuận lợi cho việc xuống giống hoa cúc. Hiện nay, số hoa cúc gia đình xuống giống đang phát triển tốt”, anh Phương cho hay.

Tương tự, những ngày này vợ chồng ông Nguyễn Kiên (ở thôn 7) cũng đang bận rộn chuẩn bị cho vụ cúc Tết Quý Mão 2023. Dự kiến đến cuối tháng 8 (âm lịch) gia đình ông sẽ hoàn thành việc xuống giống hoa. Với thâm niên trồng cúc trên 10 năm nên các khâu, các công đoạn trồng cúc đều được vợ chồng ông thực hiện một cách thuần thục, từ khâu quay chậu, chuẩn bị đất, xuống giống, chăm sóc hoa… Đặc biệt, 4 năm gần đây, gia đình ông Kiên còn tự ươm giống để trồng và xuất bán cho những hộ lân cận. Vụ Tết sắp tới, gia đình ông dự tính trồng 1.400 chậu cúc pha lê.

Xã Tân Hòa là địa phương tập trung các nhà vườn trồng cúc chậu bán Tết lớn nhất ở huyện Buôn Đôn với khoảng 15 hộ; trong đó, có 8 hộ trồng với quy mô từ 500 - 2.000 chậu, số hộ còn lại trồng với số lượng từ 100 - 300 chậu. Giống cúc mà bà con nơi đây thường lựa chọn để trồng là cúc pha lê bởi giống hoa này có màu sắc đẹp và giữ được màu trong thời gian khá dài.

Năm 2021, thời điểm xuống giống hoa phục vụ Tết rơi vào cao điểm dịch COVID-19 bùng phát trong cả nước nên nhiều nông dân trồng hoa trên địa bàn xã dè dặt xuống giống. Nhưng năm nay, khi dịch bệnh cơ bản ổn định, các hộ trồng hoa tăng mạnh số lượng chậu. Đầu ra cho mặt hàng hoa cúc chậu tại xã Tân Hòa những năm gần đây khá ổn định khi không chỉ có các thương lái trong tỉnh đến thu mua mà còn nhiều thương lái từ các tỉnh thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Phước… cũng tìm đến đặt mua.

1
Vợ chồng ông Nguyễn Kiên (thôn 7, xã Tân Hòa) quay chậu để chuẩn bị xuống giống hoa vụ Tết.

Theo nhiều nông dân chia sẻ, trồng cúc bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Từ ngày xuống giống đến lúc có hoa cúc bán phải mất hơn 5 tháng. Các chủ vườn hạn chế thuê mướn nhân công để tiết kiệm tối đa chi phí. Những chậu cúc đạt chất lượng đòi hỏi bông phải to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết. Chính vì vậy người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích cây sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn.

Dù khá vất vả, nhưng nhờ đầu ra, giá bán ổn định những năm gần đây nên trồng cúc chậu bán Tết đang là nghề tạo thu nhập khá cho nhiều nông dân trên địa bàn xã. Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, những giai đoạn cần nhiều nhân công như xuống giống, cắm que, buộc dây cố định cây, tỉa nụ… đòi hỏi các chủ vườn phải thuê nhân công, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày.

          Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.