Multimedia Đọc Báo in

Quy định nhà tái định cư từ 2 - 4 tầng: Dân nghèo gặp khó

08:20, 09/09/2022

Một số hộ dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đang dở khóc, dở cười vì dù được sở hữu đất khu tái định cư (TĐC) thuộc dự án này nhưng không đủ điều kiện để xây nhà, nguy cơ sang nhượng đất cho chủ mới là điều khó tránh khỏi.

Xa vời giấc mơ xây nhà tại khu tái định cư

Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng từ tháng 9/2015, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Dự án đi qua 3 phường (Tự An, Tân Thành, Tân Lập) và xã Hòa Thắng; diện tích đất thuộc diện thu hồi gần 47 ha, với 699 hộ và 15 tổ chức bị ảnh hưởng. Triển khai dự án này, ngoài hỗ trợ, đền bù tiền phần đất, cây trồng, nhà cửa bị ảnh hưởng đối với các hộ dân bị thu hồi đất, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng, bố trí khu TĐC tại thôn 1, xã Hòa Thắng để các hộ dân nói trên có thể mua đất xây dựng nhà ở (mua đất không qua đấu giá). Hiện các tuyến đường giao thông nội bộ tại khu TĐC đã được nhà thầu thi công cơ bản hoàn thành, một số hạng mục khác đang triển khai.

Theo Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 14/1/2022 của UBND TP. Buôn Ma Thuột về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu TĐC thôn 1, xã Hòa Thắng, khu nhà ở riêng lẻ ở khu TĐC này phải xây từ 2 đến 4 tầng nhằm tạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, quy định này gây khó khăn cho các hộ dân, nhất là với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ đông nhân khẩu.

Đến đầu tháng 9/2022, mới có duy nhất một căn nhà đang xây dựng tại khu tái định cư thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Hơn nửa năm nay, gia đình chị Hồ Thị Kim Yến (thôn 2, xã Hòa Thắng) - hộ thuộc diện giải tỏa mặt bằng Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột phải tá túc trong căn phòng chật hẹp tại trụ sở UBND xã Hòa Thắng cũ. Gia đình chị có 170 m2 đất (gồm 140 m2 đất ở và 30 m2 đất liền kề), hàng chục năm nay là nơi trú ngụ của 3 hộ, với 13 nhân khẩu (gồm gia đình chị Yến, gia đình anh trai và gia đình em trai chồng). Khi triển khai Dự án đường Đông Tây thành phố, nhà chị nhận được hơn 800 triệu đồng tiền đền bù, hỗ trợ. “Cả 3 gia đình đều không có đất rẫy, không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê nay đây mai đó, mơ ước có một miếng đất “cắm dùi” không hề dễ dàng. Nhà nước giải tỏa làm đường, chúng tôi ủng hộ, đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ và giao đất cho chủ đầu tư, nhưng giá đền bù thấp, gắng lắm mới mua đủ một thửa ở khu TĐC. Trong khi đó, chúng tôi có tới 3 hộ nên mong chính quyền xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để 2 hộ còn lại có cơ hội mua đất ở. Còn yêu cầu xây nhà tầng thì quá xa vời với chúng tôi, bởi bữa ăn hằng ngày còn phải dè sẻn, cân đo đong đếm” - chị Yến bộc bạch.

Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Muôn (thôn 3, xã Hòa Thắng) cũng có hơn 500 m2 đất (gồm 400 m2 đất thổ cư và 120 m2 đất liền kề) thuộc diện bị thu hồi để thực hiện Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột. Cuối năm 2015, khi nghe thông tin dự án sắp triển khai, gia đình ông và nhiều hộ dân khác rất đồng thuận. Vì khi có dự án đi qua thì địa phương (xã Hòa Thắng) được hưởng lợi rất nhiều, thuận tiện giao thương, đi lại, kết nối với trung tâm thành phố, tạo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, Nhà nước áp giá đền bù quá thấp (gần 4 triệu đồng/m2 đối với đất ở cũ của gia đình ông), nhưng giá đất khu TĐC lại quá cao (giá 6,3 triệu/m2) khiến nhiều hộ vùng giải tỏa gặp khó khăn. Ông Muôn cho hay, gia đình ông được bồi thường, hỗ trợ với số tiền là 2,2 tỷ đồng, được bốc thăm mua 2 thửa đất khu TĐC thôn 1, xã Hòa Thắng (tổng diện tích 288 m2), trị giá 1,8 tỷ đồng. Với số tiền còn lại (400 triệu đồng), nếu làm nhà cấp 4 thì may ra đủ, giờ ông không biết tính sao trước yêu cầu phải xây nhà ít nhất 2 tầng ở khu TĐC này. Trong khi nhà ông có 6 người con đã lập gia đình riêng, với 13 đứa cháu nội, ngoại, ông mong chính quyền địa phương linh hoạt về điều kiện xây dựng nhà ở, đồng thời điều chỉnh giá đất khu TĐC để người dân có điều kiện mua đất, làm nhà ở gần vị trí đất thu hồi, sớm ổn định cuộc sống.

Sẽ xem xét, điều chỉnh quy hoạch

Về phía chính quyền địa phương, ông Quang Văn Tuy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho hay, để thực hiện Dự án đường Đông Tây và khu TĐC thôn 1 có nhiều hộ dân trong diện bị thu hồi đất rất khó khăn, chưa có điều kiện để mua đất, xây nhà. Trước mắt, địa phương đã tận dụng khu làm việc của trụ sở UBND xã cũ và khu tập thể thôn 2 cho 6 hộ dân ở tạm. Phần lớn các hộ này thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đông con. UBND xã cũng kiến nghị thành phố cần giải quyết nhanh việc cấp đất và quyền sử dụng đất TĐC cho người dân ổn định cuộc sống.

Đường giao thông nội bộ khu tái định cư thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng cho biết, yêu cầu xây nhà từ 2 - 4 tầng tại khu TĐC nhằm tạo cảnh quan cho đô thị thành phố. Sau khi nhận ý kiến của người dân về việc không đủ điều kiện xây nhà tầng, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã giao các phòng, ban rà soát cụ thể, đề xuất phương án phù hợp với tình hình thực tế. UBND thành phố cũng đang xin chủ trương của UBND tỉnh về việc cấp thêm đất cho 20 trường hợp là gia đình có nhiều thế hệ (nhiều hộ ở trên cùng một thửa đất). Bởi theo Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh, dù gia đình có nhiều thế hệ vẫn chỉ được giải quyết từ 1 - 2 thửa đất TĐC. Đến năm 2022, Quyết định trên được thay thế bằng Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 15/3/2022. Cụ thể, với những trường hợp gia đình có nhiều thế hệ, có thể xem xét bố trí thêm 1 thửa đất TĐC, tùy thuộc vào quỹ đất của địa phương. Tuy nhiên, Quyết định số 14 không áp dụng với các trường hợp đã phê duyệt phương án trước ngày 15/3/2022. Do đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có văn bản báo cáo, xin chủ trương của UBND tỉnh cho những trường hợp gia đình nhiều thế hệ nhưng đã có phương án bố trí giao đất trước đó được giao thêm đất để họ ổn định cuộc sống.

UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, khu TĐC thôn 1, xã Hòa Thắng rộng 10 ha, với tổng số 263 thửa đất ở, quy mô dân số trên 4.700 người, gồm các hạng mục như: nhà ở riêng lẻ; đất ở nhà vườn; đất công trình công cộng; đất cây xanh – bãi xe; đất giao thông. Đến đầu tháng 9/2022, thành phố đã giao 59 thửa đất cho các hộ dân ở khu TĐC này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.