“Rào cản” trên con đường khởi nghiệp của thanh niên huyện Lắk
Những năm qua, với sức trẻ ham học hỏi, tìm tòi, nhiều thanh niên huyện Lắk đã có những ý tưởng sáng tạo, mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Tuy nhiên, trên con đường “chinh phục” mảnh đất khó này, các bạn trẻ vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Theo anh Phạm Hồng Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Lắk, bên cạnh sự cố gắng, ý chí “dám nghĩ, dám làm” của bản thân trong vấn đề khởi nghiệp, thanh niên còn gặp phải nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm, thiếu kỹ năng lĩnh hội thực tế qua các chương trình như tham gia xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn phát triển sản xuất.
Hầu hết các thanh niên vừa mới lập gia đình chưa có hộ khẩu riêng hoặc sống chung với bố mẹ nên chỉ vay được vốn tín chấp cho nhu cầu cá nhân với mức vay dưới 50 triệu đồng; hoặc những nguồn vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên hay Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng chỉ nhỏ lẻ, với mức dưới 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo khảo sát nhu cầu vốn vay của đoàn viên, thanh niên tại địa phương khá cao từ 200 - 300 triệu đồng.
Căn homestay phục vụ khách du lịch của anh Y Sôl Srũk (buôn Cuôr Tắk, xã Yang Tao) với diện tích khá nhỏ, cần vốn để đầu tư mở rộng thêm. |
Đơn cử như anh Y Sôl Srũk (SN 1996, buôn Cuôr Tắk, xã Yang Tao) đã nảy ra ý tưởng làm giàu nhờ khai thác du lịch cộng đồng trải nghiệm, tận dụng những lợi thế về văn hóa tại địa phương sinh sống như nhà sàn, cồng chiêng, làng gốm... Cuối năm 2020, nhìn người dân địa phương bán nhà sàn nhiều, lo ngại văn hóa truyền thống bị mai một, anh đã làm dịch vụ homestay từ chính căn nhà của mình cho khách du lịch lưu trú. Anh bỏ ra chi phí 200 triệu đồng cải tạo lại nhà sàn, trang trí với những vật dụng truyền thống của dân tộc đã sưu tầm được. Từ ý tưởng khởi nghiệp độc đáo này, anh đã tạo việc làm cho 5 - 6 người dân địa phương. Thông qua những tour du lịch, anh kết nối với chủ vườn ca cao, người dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, xem voi... để có thể đưa du khách đến tham quan. Đặc biệt, anh đã gắn kết đội cồng chiêng tại buôn Cuôr Tắk để vừa phục vụ khách du lịch, vừa gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng. Nhờ vậy, anh đã tạo điều kiện tốt nhất để bà con dễ dàng bán các sản phẩm do mình làm ra như rượu ca cao, thổ cẩm, thực phẩm gà, vịt...
Tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi hoạt động du lịch tạm thời bị gián đoạn. Anh Y Sôl chia sẻ, đến đầu năm nay, để đón số lượng khách du lịch lớn, mỗi tour tầm 20 - 30 người, anh cần một nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng thêm một căn homestay mới với chi phí từ 700 - 800 triệu đồng. Do nhu cầu vốn của anh khá lớn trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho vay từ Hội Liên hiệp Thanh niên chỉ 20 triệu đồng là quá nhỏ nên anh chưa tìm được sự hỗ trợ, dự kiến phải “tự bơi” tìm kiếm chủ đầu tư để phối hợp thực hiện.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Mai Thanh Nghĩa (thôn Yuk La 3, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) vẫn chưa có đầu ra ổn định. |
Hay như chàng trai trẻ Mai Thanh Nghĩa (SN 1991, thôn Yuk La 3, xã Đắk Liêng) đã không xa lạ với nhiều người dân địa phương bởi ý chí không ngại khó khăn, gian khổ, ham học hỏi để trở thành thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu. Năm 2018, anh Nghĩa tình cờ “bén duyên” với nghề trồng dâu nuôi tằm trong một chương trình khởi nghiệp từ các bạn trẻ Lâm Đồng.
Trải qua nhiều lần thất bại do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, quá trình vận chuyển, song anh vẫn kiên trì theo đuổi đam mê, tìm ra nguyên nhân và cách thức khắc phục. Đến nay, sau 5 năm, anh đã sở hữu 1 ha trồng dâu, để mỗi tháng nuôi gần 2 hộp tằm giống.
Cứ sau một tháng, anh lại thu một đợt gần 70 kg kén bán với giá 195.000 đồng/kg. Tuy mô hình nuôi tằm của anh có hiệu quả cao nhưng vẫn mang tính tự phát, bắt đầu từ những kinh nghiệm tự học, trao đổi lẫn nhau, còn thiếu sự trợ giúp về nguồn vốn, không qua các lớp tập huấn.
Bên cạnh đó, khâu vận chuyển hộp giống và xuất bán đều phải tự thân anh mang sang tỉnh Lâm Đồng nên rất tốn chi phí đi lại. Vì vậy, việc chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm đang là nỗi băn khoăn của anh hiện nay. “Hiện tại tôi vẫn chưa dám mở rộng quy mô vì còn phụ thuộc đầu ra và nguồn vốn để mở rộng thêm”, anh Nghĩa cho hay.
Bí thư Huyện Đoàn Lắk Phạm Hồng Thắng cho biết, để giúp các thanh niên trẻ giảm bớt những “rào cản” trong quá trình lập nghiệp của mình, trong thời gian tới Huyện Đoàn sẽ triển khai thành lập Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp nhằm tạo sân chơi, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, có thêm nền tảng kiến thức. Đồng thời, giúp các bạn thanh niên tiếp cận nhanh các chương trình, nguồn vốn được triển khai. Tuy nhiên, qua nhiều năm gắn bó, điều trăn trở và khó khăn lớn nhất của thanh niên trong hành trình khởi nghiệp vẫn là nguồn vốn còn hạn chế.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc