Tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể (Kỳ 2)
Kỳ 2: Những bước “chuyển mình”
Có “kim chỉ nam” dẫn đường, các hợp tác xã (HTX) dần cởi được “chiếc áo cũ”, định hình rõ nét hơn hình thái "HTX kiểu mới" khi chủ động phát huy vai trò “bà đỡ” cho nông dân trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Mạnh dạn mặc “áo mới”
Một trong những điển hình đã mạnh dạn thực hiện những cuộc “chuyển mình” trong giai đoạn này là HTX Nông nghiệp 714 (xã Ea Pal, huyện Ea Kar). Tiền thân là Nông trường 714, sau khi hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” vừa sản xuất, vừa bảo vệ Tổ quốc, bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, đơn vị này bước vào giai đoạn “thoái trào”. Năm 2010, các cựu quân nhân Trung đoàn 714 đã mạnh dạn đứng ra nhận khoản nợ 10,6 tỷ đồng (một số tiền rất lớn vào thời điểm đó) và thành lập nên HTX Nông nghiệp 714. Đây có thể xem là một “bước ngoặt”, cho thấy sự thay đổi tư duy, nhận thức của những thành viên đã gắn bó với Nông trường 714 từ những ngày đầu xây dựng kinh tế trên mảnh đất Tây Nguyên này. Theo ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp 714, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX Nông nghiệp 714 đã thực hiện thay đổi một cách toàn diện, từ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đến phương thức sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, từ một đơn vị làm ăn bết bát, đến nay, tổng tài sản của HTX Nông nghiệp 714 đã lên đến 14 tỷ đồng; doanh thu hằng năm từ 6 - 7 tỷ đồng.
Hợp tác xã Nông nghiệp 714 đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ rất sớm. |
Tương tự, sau nhiều năm “chật vật” do rập khuôn cách làm trên cơ sở tập đoàn sản xuất chuyển qua, sự “bứt phá” cũng đến khi HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động. Theo Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I Đoàn Công Bình, việc bám sát các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động… của cấp trên đã tạo sự đồng thuận, quyết tâm rất lớn trong ban lãnh đạo HTX cũng như sự chung tay của xã viên HTX và những nông dân tham gia liên kết. Các chủ trương, chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh tại đơn vị đều được bàn bạc, thống nhất từ cấp ủy đến HĐQT và quán triệt đến từng xã viên và hộ liên kết sản xuất. Bởi đây không chỉ như những “chiếc gậy” chỉ đường mà đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn hoạt động, thu nhập, đời sống của xã viên đã được nâng lên rõ rệt. Sau nhiều năm “lẹt đẹt”, đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I đang quản lý, vận hành sản xuất trên diện tích 320 ha lúa, 47 ha cà phê. Đơn vị hiện có 22 thành viên chính thức, 700 xã viên liên kết, với sản lượng lên đến hơn 5.000 tấn/năm. Quan trọng hơn, trước đây HTX chủ yếu làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, nay làm theo hướng hàng hóa, dồn điền đổi thửa, diện tích lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới, năng suất cao, gieo trồng các loại giống chất lượng tốt như TVR, ST24. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, HTX đã liên kết sản xuất lúa giống, đầu tư, bao tiêu sản phẩm của diện tích 100 ha với Công ty Giống cây trồng Việt Nam, qua đó nâng cao đáng kể thu nhập của xã viên và các hộ liên kết sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể - HTX tỉnh, thời gian qua, các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và quy mô, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 630 HTX, trong đó, HTX nông nghiệp là 409 HTX (chiếm 64,9%), HTX phi nông nghiệp có 221 HTX (chiếm 35,1%). Kinh tế hợp tác tạo việc làm cho trên 21.000 lao động thường xuyên, tăng 113% so với 20 năm trước, thu nhập bình quân tăng 10 lần trong giai đoạn này. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, số lượng các HTX mới ngày càng tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, các HTX từng bước hoạt động ổn định. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 150 triệu đồng, thu nhập lao động thường xuyên dự kiến đạt 45 – 48 triệu đồng/năm. Qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Đồng hành cùng hợp tác xã
Nhận thức rõ vai trò của yếu tố con người trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, tỉnh đã đẩy mạnh chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các đơn vị. Chính sách này đặc biệt được triển khai mạnh từ năm 2006 và đã “kéo” được nhiều sở ngành cùng "chung tay" thông qua việc lồng ghép (mời thành phần HTX) tham gia các khóa đào tạo, lớp tập huấn cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cho các HTX, tạo sự liên kết, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các thành phần kinh tế với nhau. Thông qua đó đã góp phần giúp cán bộ quản lý trong các HTX cải thiện về công tác tổ chức điều hành, từng bước kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng HTX yếu kém, trung bình, nâng số lượng HTX khá, giỏi với nhiều mô hình HTX đa dạng, ngành nghề kinh doanh phù hợp và ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại HTX. Nhờ đó đã giúp HTX có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để thực hiện tốt kế hoạch phát triển sản xuất – kinh doanh tại các đơn vị.
Nhà máy chế biến gạo áp dụng công nghệ tốt nhất khu vực Tây Nguyên đang được HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) xây dựng. |
Hưởng lợi và đánh giá cao về chính sách này nhất phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông). Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình Võ Văn Sơn chia sẻ, hoạt động của đơn vị khá rộng nên nếu không có kế toán với chuyên môn tốt, thạo việc thì công tác điều hành, quản lý HTX rất khó khăn. Từ khi được hỗ trợ từ mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại HTX, đơn vị đã tuyển dụng được một kế toán có trình độ chuyên môn cao nên không những công việc liên quan đến sổ sách, chứng từ nhẹ nhàng hơn mà việc theo dõi doanh thu, phân tích lợi nhuận cũng minh bạch, rõ ràng hơn, tạo sự yên tâm, tin tưởng của thành viên HTX và nông dân liên kết. Cùng với đó, những thủ tục báo cáo với cơ quan thuế, đàm phán với các đơn vị đối tác cũng được triển khai nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm yêu cầu công việc.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy địa phương cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển. Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana chia sẻ, những ngày đầu thành lập, HTX may mắn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cấp ủy địa phương. Thời điểm đó, đích thân đồng chí Bí thư Huyện ủy Krông Ana lúc bấy giờ đã cùng các thành viên HĐQT của HTX đến từng xã trên địa bàn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân; phân tích “cái được” khi tham gia HTX; yêu cầu chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kịp thời cho HTX… Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, HTX đã thu hút được số lượng thành viên lớn, tạo ra vùng nguyên liệu nấm rộng khắp trên địa bàn, giúp HTX mạnh dạn thực hiện các chiến lược sản xuất – kinh doanh đã đề ra. Song hành với đó là thu nhập, đời sống của người dân ở địa phương tham gia HTX hoặc liên kết sản xuất nấm đã được nâng lên đáng kể. Và đặc biệt là từ hoạt động hiệu quả của HTX, huyện Krông Ana cũng đã xây dựng được thương hiệu nấm của mình qua việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nấm Krông Ana”.
Thực tế cho thấy, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phát triển, như: hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể; xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa… Để huy động nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND, ngày 23/12/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó, bố trí 30 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX (trong năm 2022, ngân sách tỉnh đã bố trí 14,3 tỷ đồng). Ngoài ra, Liên minh HTX đã tích cực hỗ trợ nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến, sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh và phát triển các HTX, liên hiệp HTX trong xây dựng nông thôn mới…
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX đã tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX, đồng thời thu hút thêm được nhiều người quan tâm và làm việc trong môi trường kinh tế tập thể, HTX. Minh chứng là nếu như giai đoạn 2003 – 2005, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 12%; trình độ trung cấp, sơ cấp chiến khoảng 24% thì đến giai đoạn 2013 – 2021, tỷ lệ cán bộ HTX có trình độ cao đẳng, đại học chiếm khoảng 24% (tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2003 – 2005), trình độ sơ cấp, trung cấp chiếm 40% (tăng 1,66 lần so với giai đoạn 2003 - 2005). |
(Còn nữa)
Kỳ 3: Khẳng định vị thế trong nền kinh tế hội nhập
Cao Minh Giang
Ý kiến bạn đọc