Đã đến lúc bàn về “hậu cần” đô thị!
Những biến động về diễn biến tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh và hiện tượng khan thiếu nguồn cung xăng dầu ở Đắk Lắk những ngày qua đang đặt ra bài toán cần đầu tư chiều sâu về khâu "hậu cần” cho các đô thị, trung tâm huyện lỵ trên địa bàn, để phòng bị và đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Thậm chí theo một số nhà tư vấn, câu chuyện quy hoạch phát triển đô thị không chỉ nhắm đến những tiêu chí “bề nổi” về mức thu nhập, nhu cầu sinh kế của thị dân, mà còn phải đặt ra những định hướng bền vững hơn, định hướng cho được những khả năng rủi ro, biến động trong đời sống xã hội.
Vấn đề này đã được đề nghị từ lâu, song do nhiều lý do khách quan, phần lớn các đô thị Việt Nam chưa triển khai hiệu quả được. Với tầm nhìn và cơ hội đi sau, liệu các đô thị cao nguyên như Buôn Ma Thuột có thay đổi được tình hình ấy?
Những đô thị đang dễ bị “tổn thương”…
Trong tuần này, thị trường xăng dầu TP. Hồ Chí Minh ghi nhận sự biến động to lớn khi hơn 100 cơ sở cung ứng ở trung tâm đô thị này tạm dừng hoạt động vì một số nguyên nhân, chủ yếu là khả năng đứt gãy nguồn cung. Mãi đến chiều tối 11/10/2022, khi lượng lớn xăng dầu được chuyển về với giá bán được duyệt cao hơn, cảnh người dân chen chúc đi đổ xăng mới giãn bớt.
Dư luận râm ran nhiều bình phẩm khác nhau, song có cùng chung băn khoăn: khả năng dự trữ, điều phối xăng dầu tại địa bàn thành phố thương mại lớn nhất nước này, tại sao lại hạn chế như vậy? Cảnh khan thiếu cục bộ này gợi nhắc hình ảnh một TP. Hồ Chí Minh trong mùa dịch bệnh 2020 đứt gãy toàn hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm, người dân phải chờ đợi đến lượt nhận rau, quả cứu trợ…
Từ một đô thị dư thừa hàng hóa tiêu dùng, chỉ cần qua một vài tuần lễ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa là TP. Hồ Chí Minh lập tức rơi vào khủng hoảng, người dân theo đó chịu tổn thương nặng nề.
Công tác quản lý, sẵn sàng xử lý những sự việc khủng hoảng ở một đô thị tầm cỡ mà còn lúng túng và ách tắc như vậy, cho thấy tầm nhìn và năng lực phòng bị của các đô thị Việt Nam là “có vấn đề”. Nhưng dường như, không có nhà tổ chức quy hoạch nào nhận diện rõ nguy cơ để yêu cầu các ngành quản lý, các nhà đầu tư chiến lược phải có hành động vì sự an toàn của các đô thị.
Nhìn lại đô thị Buôn Ma Thuột, mới đây, dư luận cục bộ cũng ghi nhận, có dấu hiệu khan thiếu nguồn cung xăng dầu. Một số cơ sở kinh doanh tại địa bàn chia sẻ, họ đã bị giới hạn lượng xăng dầu nhập về. Một số cửa hàng chỉ bán cầm chừng, một số đã phải viện lý do “kinh doanh có trở ngại” để tạm dừng. Vấn đề cung ứng năng lượng cho thị dân đô thị cao nguyên, theo đó đáng được quan tâm.
Song, với cách nhìn thị trường tự do điều tiết, chưa có biến động lớn, các nhà quản lý vẫn chưa vội vào cuộc. Câu hỏi đặt ra là, vậy đến khi nào, sự cảnh báo khan thiếu hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ sinh hoạt… từ sự cố thiên tai, hay biến động thị trường chung, mới được nhìn nhận thỏa đáng để nhà quản lý, nhà đầu tư có quy hoạch chuẩn bị trước?
Đảm bảo các nền tảng "hậu cần" là yêu cầu quan trọng để đô thị Buôn Ma Thuột phát triển ổn định. |
Ba nền tảng “hậu cần” thiết yếu
Một lợi thế phải thấy của TP. Buôn Ma Thuột, so với các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, là đô thị này đến nay vẫn tiệm cận hoạt động cung ứng nông sản, bảo đảm nguồn cấp đủ lương thực, thực phẩm khi cần.
Do đó, chỉ cần quy hoạch đúng tầm nhìn đô thị nông sản, Buôn Ma Thuột, hay mở rộng ra các đô thị huyện lỵ xung quanh đã có thể chủ động, bình ổn được nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ của thị dân. Nghĩa là, xây dựng được hệ thống bảo quản, lưu trữ tốt cho nguồn nông sản tại địa bàn sẽ là nền tảng đầu tiên cho các đô thị ở Đắk Lắk được an toàn.
Thứ hai, với vị thế thuận lợi giao thương, Đắk Lắk có khả năng xây dựng, kết nối thành công những hệ thống logistics, cung ứng, tiếp nạp và phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm, kể cả năng lượng xăng dầu.
Đây là lý do địa phương đang dốc sức, vận động và đầu tư hoàn thiện hệ thống đường sá liên tỉnh, liên vùng, với các dự án lớn như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, hay đường Hồ Chí Minh về phía Đông Nam Bộ, hoạch định các tuyến đường Buôn Ma Thuột – Đà Lạt, Buôn Ma Thuột – Phú Yên…
Khi có được những “mạch máu” lưu thông này, cộng hưởng với định hướng hình thành các khu kho hàng hóa ngoại quan, lưu trữ bảo quản xuất khẩu…, Đắk Lắk sẽ có được nền tảng hậu cần thứ hai cho các đô thị, tránh thụ động và tổn thương khi có dị biến thị trường.
Thứ ba, và là nền tảng quan trọng nhất, chính là các đô thị cao nguyên phải có định hướng thông tin quy hoạch rõ ràng, mạng lưới thông tin truyền thông tốt, vận động và chia sẻ với người dân để tránh những sự cố khủng hoảng truyền thông.
Đây là vấn đề đặt ra không riêng gì với Đắk Lắk, chỉ là với vị thế một tỉnh biên giới quan trọng, có nhiều tầng nấc xã hội, nhiều dân tộc anh em chung sống, nhận thức, thái độ sẵn sàng khác nhau, công tác vận động tuyên truyền lại càng phải được chú trọng.
Đô thị Buôn Ma Thuột có thể tham khảo chính thái độ của cư dân Đà Nẵng, với tinh thần “ba tại chỗ” được định vị qua nhiều năm ứng phó với thiên tai bão lũ, để xây dựng nền tảng hạ tầng tâm lý xã hội cho thị dân.
Khi có một sự cố xảy ra, chỉ cần người dân bình tĩnh, không xảy ra cảnh chen lấn ở một địa hạt tiêu dùng, sinh hoạt nào đó đã giúp các cấp quản lý giảm được rất nhiều áp lực xã hội, và kịp ứng phó nhanh.
Nhưng, quan trọng là, để có được năng lực truyền thông này, nhận thức quy hoạch, tiết chế về hậu cần đô thị, chủ yếu về tâm lý xã hội ổn định, là điều cực kỳ quan trọng mà các cấp chính quyền, các ngành quản lý địa phương phải đặt ra.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc