Multimedia Đọc Báo in

Góp sức thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

08:40, 15/10/2022

Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) là lực lượng chủ đạo đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường và là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, đội ngũ này đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Tiếp sức cho DN, doanh nhân

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, triển khai Nghị quyết 09/NQ-TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và quan tâm đến sự phát triển DN, đội ngũ doanh nhân.

Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư trong thời gian qua cũng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức.

Ngoài ra, một số đơn vị trong tỉnh đã chủ động tổ chức hội nghị đối thoại DN của ngành mình, cấp mình, giúp tháo gỡ phần lớn khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư.

Thông qua Hội nghị đối thoại định kỳ giữa UBND tỉnh với DN, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hướng dẫn, giải quyết trên 400 ý kiến phản ánh, kiến nghị của DN. Nhờ đó, môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng thuận lợi, bình đẳng thông qua việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chương trình cà phê doanh nhân - doanh nghiệp được duy trì hai lần/tháng.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều nội dung hỗ trợ cho DN được tỉnh thực hiện, như: Hỗ trợ tín dụng, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực, cải cách thủ tục hành chính…

Nhờ đó, môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại kết quả đáng ghi nhận: nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn so với quy định chung; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua được ghi nhận là có phong trào khởi nghiệp nổi bật không chỉ ở Tây Nguyên mà còn trên cả nước, được cộng đồng DN đón nhận và đánh giá cao.

 

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 11.797 DN đang hoạt động; tăng 2,7 lần về số lượng và tăng 2,1 lần về quy mô vốn/DN so với năm 2012 và là tỉnh có số lượng DN xếp thứ 22 cả nước và thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 46.000 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương dành cho DN, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng như: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tạm dừng các cuộc thanh tra chuyên ngành trong năm 2020 để DN có thời gian tập trung khắc phục hậu quả do dịch gây ra; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các DN, nhà đầu tư; cảnh giác và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn... Qua đó, giúp DN, nhà đầu tư giảm bớt khó khăn, từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều đóng góp tích cực

Có một điều không thể phủ nhận rằng, sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ DN, doanh nhân đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian qua cộng đồng DN, doanh nhân đã nỗ lực không ngừng, nhất là đã khắc phục khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 từng bước củng cố, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, một số DN đã chủ động điều chỉnh mô hình, chiến lược kinh doanh, thích ứng linh hoạt, nhanh chóng có những bước phục hồi như Nhà máy Bia Sài Gòn Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển An Thái, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk… Từ đó, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động và xuất khẩu các sản phẩm của DN mình sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kịp thời, cùng với tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng, nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ doanh nhân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành) của khu vực kinh tế tư nhân đạt 67.068 tỷ đồng, chiếm 70,72% tổng GRDP toàn tỉnh. Số lượng DN gia nhập và quay trở lại thị trường tăng mạnh, 9 tháng năm 2022, số lượng DN thành lập mới là 1.086 DN, tăng 25,99% so với cùng kỳ năm 2021.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức khá, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng góp khoảng 70% GRDP toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực DN tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng, góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, cụ thể 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản xuất mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, những doanh nhân là những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương.

Cùng với việc sản xuất, kinh doanh, DN và đội ngũ doanh nhân đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. DN, doanh nhân cũng trở thành cầu nối để đưa sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất vào thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc