Multimedia Đọc Báo in

Đảm bảo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1

19:29, 06/10/2022

Chiều 6/10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Tham dự cuộc họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh, chủ đầu tư Dự án thành phần 3); đại diện các sở, ngành, địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương có Dự án đi qua, gồm: Cư Kuin, Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắc và M’Drắk.

Các đại biểu dự cuộc họp.
Các đại biểu dự cuộc họp.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 117,5 km, điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối tại địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk). Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.

Trong đó, Dự án thành phần 3 do Ban tỉnh làm chủ đầu tư, tổng chiều dài 48 km, điểm đầu tại Km69+500 thuộc địa bàn huyện Ea Kar, điểm cuối tại Km117+500 thuộc địa bàn huyện Krông Pắc. Dự án có quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m; tốc độ khai thác đạt 80km/giờ.

Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 là 6.485 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 1.588 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh báo cáo tiến độ thực hiện Dự án tại cuộc họp.
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh báo cáo tiến độ thực hiện Dự án tại cuộc họp.

Về công tác chuẩn bị, hiện chủ đầu tư hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu (theo hình thức chỉ định thầu) và ký hợp đồng đối với các gói thầu tư vấn bước chuẩn bị đầu tư gồm: Gói thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cắm cọc GPMB, mốc lộ giới đường bộ; Gói thầu khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Gói thầu cắm cọc GPMB và mốc lộ giới đường bộ; Gói thầu giám sát công tác khảo sát và cắm cọc GPMB và mốc lộ giới đường bộ và Gói thầu thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Đinh Xuân Diệu phát biểu tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Đinh Xuân Diệu phát biểu tại cuộc họp.

Hiện công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cắm cọc GPMB, mốc lộ giới đường bộ đã được phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng vào ngày 28/9/2022 và đang triển khai khảo sát hiện trường. Dự kiến, công tác khảo sát sẽ được hoàn thành trước ngày 26/10/2022. Công tác thiết kế, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được triển khai song song với quá trình khảo sát nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện Dự án…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả Dự án, đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan đảm bảo tiến độ công tác GPMB; phải chịu trách nhiệm trước tỉnh nếu xảy ra việc có tổ chức, cá nhân xây dựng công trình, trồng cây trên khu vực dự án. Đồng thời hoàn thiện công tác nhân sự phục vụ quản lý Dự án vừa đủ số lượng, vừa đảm bảo chất lượng, phù hợp trình độ, chuyên môn để Dự án được triển khai hiệu quả.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận cuộc họp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện chủ động tổ chức rà soát, xác định nhu cầu tái định cư của các hộ dân trong phạm vi tuyến đi qua địa bàn huyện. Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình xác định giá đất và tài sản trên đất trong phạm vi dự án để đơn vị tư vấn có cơ sở tính toán, đảm bảo kinh phí triển khai công tác GPMB…

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.