Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Tập trung đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

07:56, 18/10/2022

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song từ khi chuyển đổi và hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn huyện Krông Búk đã phát huy tốt vai trò tập hợp nông dân, liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Thay đổi tư duy sản xuất

Trước đây, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cư Kbô chủ yếu chỉ quản lý điều tiết nước tưới của 3 công trình thủy lợi trên địa bàn xã. Hằng tháng, mỗi xã viên chỉ được hỗ trợ 400 – 500 nghìn đồng tiền trợ cấp. Sau khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình HTX kiểu mới vào năm 2014, đơn vị đã sớm khẳng định được vai trò, vị trí của mình, tạo dựng được niềm tin cho các thành viên, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tham gia HTX, các thành viên phải tuân thủ yêu cầu, quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ðặc biệt, kết thúc mùa vụ, HTX tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nhờ làm tốt công tác quản lý, năng động trong tìm kiếm đầu ra sản phẩm nên hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả.

Đến nay HTX đã thu hút 33 thành viên tham gia chính thức và liên kết với 316 hộ gia đình, với tổng diện tích 480 ha. Năm 2021, tổng doanh thu trong lĩnh vực sản xuất cà phê của HTX là 7,3 tỷ đồng (tăng 2,3 tỷ đồng so với năm 2015); thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2014).

Mô hình tái canh cà phê của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cư Kbô.

Ông Phan Trọng Ký, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cư Kbô chia sẻ: “Việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã mang lại nhiều lợi ích. HTX giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, đồng thời liên kết theo chuỗi tạo thị trường ổn định, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài".

 

“Những năm gần đây, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Krông Búk đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ tự phát, manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản địa phương” - Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập) được thành lập từ năm 2018, hoạt động chủ yếu là sản xuất sầu riêng theo hướng xuất khẩu. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc, điều trị bệnh đến thu hoạch cho người dân, HTX còn tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Đến nay HTX có 29 thành viên chính thức, với 49,5 ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng được phía Trung Quốc chấp thuận.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông cho biết, năm 2022 sản lượng sầu riêng của HTX dự kiến đạt 800 – 850 tấn. Khi được cấp mã vùng trồng, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, đưa giá trị trái sầu riêng của HTX tăng từ 50 - 60% so với năm 2021.

Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Huyện Krông Búk hiện có 31 HTX, trong đó có 25 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Hoạt động của HTX ngày càng phong phú, đa dạng, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Một số HTX đã áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu trung bình của mỗi HTX đạt hơn 2,2 tỷ đồng/năm; thu nhập của thành viên, lao động trong HTX khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông thu hoạch sầu riêng.

Thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, phát triển ngành nghề nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, UBND huyện đã hỗ trợ 6 HTX cấp chứng nhận VietGAP; hỗ trợ HTX Chăn nuôi Hoàng Gia và HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Sin thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc; hỗ trợ HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận Phát máy chế biến cà phê ướt… với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND huyện đều hỗ trợ các HTX trên địa bàn tham gia hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

HTX có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, phần lớn các HTX trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất còn thô sơ. Một số chương trình, dự án còn chồng chéo, khó lồng ghép dẫn đến phân tán nguồn lực, giảm hiệu quả hoạt động. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể phát triển, ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đối với HTX, như: bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp nhằm giới thiệu, hỗ trợ HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ bản chất mô hình HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.