Multimedia Đọc Báo in

Phát triển sản phẩm OCOP: “Đòn bẩy” từ những lợi thế

15:12, 31/10/2022

Qua hơn bốn năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Đắk Lắk đã bước đầu phát huy được lợi thế, giá trị sản phẩm của từng vùng miền. Đồng thời, đã tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển, góp phần bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.

Phát huy lợi thế vùng miền

Đến hết tháng 8/2022, Đắk Lắk đã có 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2018 – 2020 có 35 sản phẩm đạt từ 3 sao, vượt 23 sản phẩm so với chỉ tiêu kế hoạch (31 sản phẩm 3 sao; 4 sản phẩm 4 sao); năm 2021, có 37 sản phẩm đạt từ 3 sao (33 sản phẩm đạt 3 sao; 4 sản phẩm đạt 4 sao).

Khâu đóng gói sản phẩm chocolate đạt 4 sao cấp tỉnh của Công ty TNHH Ca Cao Nam Trường Sơn. 

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…

Qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, những sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế, như: cà phê, ca cao, mắc ca... Việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “đòn bẩy” để triển khai thành công chương trình này.

 

UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, có ít nhất 200 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đến 2030 toàn tỉnh sẽ có 300 sản phẩm OCOP; có ít nhất 150 chủ thể kinh tế tham gia OCOP. Các sản phẩm phải nâng dần chất lượng, nâng hạng sao và tiếp cận nhiều hơn đến thị trường trong và ngoài nước để mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) với sản phẩm “Cà phê chồn Kiên Cường” đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện cả về mẫu mã, chất lượng và gia tăng tính cộng đồng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Chương trình đã tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ý tưởng mới, những sản phẩm mới ra đời ở hầu khắp các địa phương.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…

Đồng thời, đồng hành cùng với các chủ thể sản phẩm trong việc xác định mục tiêu thị trường mà sản phẩm hướng đến để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, từ đó khơi dậy nội lực, sự tâm huyết của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài sản phẩm OCOP được công nhận như hiện nay (chủ yếu thuộc ngành thực phẩm), Đắk Lắk cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh.

Tập trung thay đổi tư duy cho các chủ thể

Theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã làm đảo chiều toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, do đó nền tảng của phát triển kinh tế cần phát triển cân bằng giữa sản xuất, thương mại và dịch vụ là điều cấp thiết hiện nay. 

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu, các chủ thể kinh tế đứng trước thách thức cần thay đổi để hội nhập và phát triển. Với tính chất đặc thù là ở khu vực nông thôn, kinh tế hộ đang là chủ đạo, cạnh tranh yếu; việc đồng bộ về quản lý và chất lượng sản phẩm còn hạn chế...

Do vậy, cần tập trung phát huy thế mạnh địa phương, tận dụng, khơi dậy sự sáng tạo trong nhân dân; hình thành các vùng, tiểu vùng kinh tế liên kết tập trung, dựa trên nền tảng sản xuất hiện có, tạo ra vùng sản xuất quy mô vừa và lớn. Đồng thời, phục hồi, duy trì, phát triển ngành nghề - văn hóa truyền thống giàu bản sắc, tạo ra sản phẩm OCOP gắn với du lịch theo hướng “Nền du lịch thứ ba” – nền du lịch tạo động lực, du lịch trải nghiệm.

Các sản phẩm OCOP của huyện Krông Búk trưng bày tại hội nghị về Chương trình OCOP.

Chuyên gia Chương trình OCOP quốc gia, PGS. TS. Trần Văn Ơn phân tích: “Với Tây Nguyên – Đắk Lắk, chỉ riêng cà phê thôi cũng đã có thể phát triển thành nhiều sản phẩm riêng biệt và gắn với văn hóa, lịch sử phát triển của cà phê để kể chuyện bằng tất cả những nét riêng, thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có các cộng đồng dân tộc đang lưu giữ rất nhiều giống lúa rẫy, rất nhiều cây trái, rất nhiều cây ăn quả khác nhau, các loại thảo dược... Đây là những tiềm năng rất lớn vì mỗi dân tộc sẽ có một cách làm để khai thác và phát triển. Khi kinh tế thị trường cạnh tranh với nhau, ai cũng có quyền làm và người nào làm tốt hơn, cái nào đánh đúng vào "trái tim" khách hàng thì người đó thắng”.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, để sản phẩm OCOP đáp ứng được các yêu cầu thị trường thì Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ về trang thiết bị để phục vụ sản xuất hay hỗ trợ cả về kết cấu hạ tầng của các cơ sở sản xuất, hỗ trợ đào tạo tập huấn. Bên cạnh đó là hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, kinh phí xây dựng nhãn mác... Đấy là những vấn đề trong chương trình OCOP giai đoạn đến đã xác định và đang tập trung để hỗ trợ cho các chủ thể để hoạt động hiệu quả hơn.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.