Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch đô thị và bài toán thoát nước

06:42, 23/10/2022

Trận lụt bất ngờ xảy ra với TP. Đà Lạt giữa mùa thu vừa qua, và đêm mưa kinh hoàng với người dân TP. Đà Nẵng ngày 14/10/2022 mới đây lại đặt ra những câu hỏi với các nhà quy hoạch về thoát nước đô thị. Liệu TP. Buôn Ma Thuột và các thành phố đi sau, có rút ra được bài học nào để tránh hậu họa từ những cơn mưa?

Theo dư luận đánh giá, thực trạng đô thị hóa nhanh chóng, phủ lấp phần lớn các diện tích nhà và đất ở tại Đà Nẵng và Đà Lạt là nguyên nhân chính để dư địa thoát nước đô thị của các thành phố này không còn nữa. Vậy với một thành phố có tỷ lệ đô thị hóa dự tính đạt 24,74% diện tích, diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 30,2 m2/đầu người, TP. Buôn Ma Thuột có “dẫm vào vết chân đi trước”?

Ham phát triển, thiếu dự phòng?

Câu hỏi được cộng đồng mạng đưa ra, hay nói chính xác là chất vấn lịch sử phát triển đô thị giai đoạn mới đây ở Đà Nẵng, Đà Lạt là phải chăng các nhà quy hoạch đã quá say sưa với tốc độ phát triển đô thị mà quên đi những bài toán dự phòng?

Chỉ trong 17 năm tăng tốc sau năm 1999, Đà Nẵng đã phủ lấp phần lớn diện tích đất nông nghiệp vùng đô thị, be kè bờ sông, bờ biển để tăng diện tích đất và nhà ở đô thị theo hướng “phân lô bán nền”. Hệ lụy là phần lớn ao hồ nội thành, những khu vực trũng đầm hồ, ruộng lúa… không còn nữa. Thành phố tự tin với hệ thống cống thoát nước và thu gom được đầu tư quy mô, kết nối khắp nội thị sẽ giải quyết được bài toán “nước mặt” khi có mưa lớn. Khá nhiều giải pháp thu gom nước mưa, xây dựng hệ thống kè vành đai Đà Nẵng để thoát nước nhanh hơn đã được thực hiện.

Đà Nẵng sau trận mưa kỷ lục 14/10, toàn thành phố ngập tràn xe hơi chết máy vì ngập nước.

Song liên tiếp trong những năm qua, khi lượng mưa lớn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu không ngừng tăng, Đà Nẵng đã thường xuyên đối diện với ngập úng đô thị. Những tuyến đường thương mại chủ lực như Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh lập tức “trở thành dòng sông” khi có mưa lớn đến 100 mm. Nhiều khu vực vị trí cao, nhưng bởi không còn dư địa thoát nước tự nhiên, hệ thống cống đầu tư có cao trình không đồng bộ do thiếu thống nhất quy hoạch chung, đã dần dần trở thành điểm ngập. Mới đây nhất, ngày 14/10/2022, cả Đà Nẵng ngập sâu trong nước mưa với lượng mưa đến 400 mm. Thiên tai là điều không thể liệu tính trước được, vậy nên vấn đề quy hoạch phải có tầm nhìn, là cần đặt ra.

Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với Đà Lạt, thành phố cao nguyên vốn dĩ không ai nghĩ sẽ có ngập úng. Bốn bề là thung lũng, dư địa thoát nước của hệ thống hồ bản địa lâu nay đảm bảo Đà Lạt an toàn trước mưa gió. Nhưng khi tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, mật độ xây dựng được ghi nhận dày đặc ở Đà Lạt, và hệ thống thoát nước không đảm bảo xử lý kịp lượng mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường ngập nước lút bánh xe hơi. Trách nhiệm của các nhà quy hoạch về khả năng chống chịu với thiên tai, giải pháp xử lý thoát nước cho đô thị một cách khôn ngoan hơn, thật sự cần nghĩ đến.

Cần những “vành đai xanh”, những “dòng kênh xanh”…

TP. Buôn Ma Thuột, đô thị thủ phủ cao nguyên dĩ nhiên được ghi nhận có cả một “vành đai xanh” cây lá bên ngoài. Các vùng nông thôn liền kề thành phố này được nhìn nhận “đủ sức che chắn” cho thành phố tránh được những cơn mưa lũ. Đô thị miền núi này không có sông lớn, nhưng lại có một hệ thống suối, hồ vùng lân cận, đủ sức hỗ trợ thoát nước cho Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, bài toán quy hoạch của Buôn Ma Thuột nhất định phải được xem xét kỹ lưỡng, để không lặp lại những sự vụ đáng tiếc về “quy hoạch nóng” như Đà Nẵng, Đà Lạt… Khi các khu, cụm đô thị mới ở đô thị Buôn Ma Thuột được thành hình, ngày càng mở rộng, diện tích đất tự nhiên, đất rừng, đất nông nghiệp… có thể hỗ trợ thoát nước, tránh bị xói mòn và nước chảy tập trung, rất cần được giữ gìn. Khi các trận mưa lớn ngày càng có nguy cơ tăng lên, tốc độ xử lý nước chảy bề mặt của đô thị phải nhanh tương ứng. Liệu điều này có làm được với TP. Buôn Ma Thuột?

Các khu đô thị mới của Buôn Ma Thuột phải tính đến bài toán quy hoạch thoát nước an toàn nhất.

Rõ ràng thành phố cao nguyên cần bảo vệ, phát triển mạnh mẽ hệ thống “vành đai xanh” với diện tích đất rừng phủ xanh tự nhiên phải tăng lên. Cần chú ý, đất rừng tự nhiên là điều Tây Nguyên cần bảo vệ, gìn giữ, không thể thay thế bằng những cánh rừng trồng, nặng tính khai thác kinh tế nhưng thực chất tàn hại thiên nhiên, tiêu diệt các tầng cây bụi, cây thấp. Hiện tại với xu hướng phát triển canh tác cây công nghiệp, nông nghiệp cao sản, Đắk Lắk đang đối mặt vấn đề diện tích đất nông nghiệp không được đầu tư canh tác phục hồi tốt, mật độ cây xanh tự nhiên giảm thiểu. Khi diện tích đất ở, mặt sàn đô thị tăng lên, phải có được bài toán cân đối đúng mức với tỷ lệ “vành đai xanh”, không để “mỏng dần”.

Hướng hỗ trợ thứ hai cho khả năng thoát nước đô thị, là thiết lập, duy trì cho được hệ thống các ao hồ cục bộ, các khe lạch suối tự nhiên, có khả năng thoát nước nhanh. Việc xây dựng, mở rộng một số kênh thoát nước bám theo địa hình tự nhiên cũng là vấn đề phải được các nhà tổ chức quy hoạch nghĩ đến. Nhất là vùng phụ cận Buôn Ma Thuột, với những dòng chảy vốn có, kết nối với sông Sêrêpốk, vùng nước tiệm cận đô thị nhất, sẽ là vấn đề cần được các nhà quy hoạch nghiên cứu, quyết tâm bảo vệ để giữ an toàn cho đô thị cao nguyên.

Không hề đơn giản để một đô thị thành hình được an toàn bền vững suốt chặng đường phát triển của mình, nhưng nhất thiết việc quy hoạch, tổ chức không gian sống và tăng trưởng bền vững cho đô thị là vấn đề phải được các nhà quản lý và quy hoạch nghiên cứu không ngừng. Bài học của Đà Nẵng, Đà Lạt, và nhiều đô thị đi trước cần thiết để TP. Buôn Ma Thuột tham khảo, rút kinh nghiệm!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc