Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá từ nuôi bò sinh sản và gà chọi lai

08:14, 25/10/2022

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Lan (ở thôn 8, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) nuôi bò thịt nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng.

Năm 2019, sau khi đi tham quan các mô hình chăn nuôi, chị Lan quyết định chuyển sang nuôi bò sinh sản. Chị còn chuyển đổi 5 sào đất trồng cà phê già cỗi sang trồng cỏ nuôi bò; đồng thời chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc bò từ các trang trại chuyên nuôi bò sinh sản. Chị Lan chọn giống bò lai Sind, đây là giống bò thuần, dễ lai tạo và dễ chăm sóc.

Theo chị Lan, để bò khỏe mạnh, người chăn nuôi ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ, còn phải nắm chắc kỹ thuật từ khâu làm chuồng đến khâu phòng bệnh. Diện tích chuồng trại cho chăn nuôi bò sinh sản phải lớn hơn chuồng trại cho chăn nuôi bò thịt. Việc xây dựng chuồng trại như vậy nhằm đảm bảo cho bò mẹ trước và sau khi sinh có đủ diện tích để chăm sóc bê con, nhất là vào ban đêm. Đến nay, đàn bò của chị đã phát triển lên 6 bò mẹ, trong chuồng lúc nào cũng có từ 3 - 4 bê con. Trung bình mỗi năm gia đình chị xuất bán 5 con bò giống với giá bán 20 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí có lãi 50 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Lan chăm sóc đàn gà chọi lai.

Không chỉ nuôi bò sinh sản, gia đình chị Lan còn đầu tư nuôi gà chọi lai. Thời gian đầu, chị vay bạn bè 50 triệu đồng đầu tư xây chuồng với diện tích 500 m2 nuôi 1.000 con gà. Nhận thấy tiềm năng của giống gà chọi lai, vợ chồng chị đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại. Sau hơn 3 năm chăn nuôi, từ 1.000 con, đến nay gia đình chị đã có 5.000 con gà các lứa, được nuôi trên 1,2 ha diện tích vườn đồi. Chị Lan cho biết, gà chọi lai có khả năng chống chịu dịch bệnh cao, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, gà thương phẩm có giá thành ổn định, sau khoảng 4 tháng nuôi, mỗi con cân nặng bình quân từ 2,3 - 2,5 kg, giá bán từ 80 – 100 nghìn đồng/kg. Bằng việc nuôi gối vụ, gia đình chị luôn có gà xuất bán quanh năm, đảm bảo cung cấp cho thị trường. Mỗi năm, gia đình chị thu lãi 70 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

         Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.