Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai trẻ khởi nghiệp trên vùng đất khó

08:23, 22/11/2022

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Ngọc Thành (SN 1990, trú thôn 3, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi cá cảnh và ốc táo. 

Từng trải qua nhiều công việc tại TP. Buôn Ma Thuột, nhưng không có thu nhập ổn định, năm 2007 anh Thành quyết định về huyện Ea Súp sinh sống. Qua tìm hiểu thực tế, anh thấy mô hình nuôi cá cảnh trên địa bàn huyện chưa được phát triển. Sẵn có nghề nuôi cá cảnh từ ông nội để lại nên anh đã đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và quyết định bắt tay vào nghề nuôi cá cảnh.

Với số vốn ban đầu là 3 triệu đồng, anh tiến hành nuôi cá trong thùng xốp. “Lúc đầu, chưa nắm vững kỹ thuật, nguồn nước tạp chất nhiều khiến cá chết gần hết. Hơn nữa, đầu ra thời điểm đó khá khó khăn, giá thành lại rẻ, bản thân đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề, chuyển qua công việc khác. Nhờ gia đình động viên, tôi lại nỗ lực nghiên cứu và tiếp tục tìm tòi, học hỏi”, anh Thành tâm sự.

Cán bộ Huyện Đoàn Ea Súp đến tham quan mô hình nuôi cá cảnh và ốc táo của anh Phạm Ngọc Thành.

Qua thực tế nghiên cứu, tìm hiểu, anh đã nắm bắt được kinh nghiệm xử lý nước, kỹ thuật nuôi bằng phương pháp dân gian. Dần dần, đàn cá phát triển nhanh, khỏe mạnh. Anh bắt đầu xây bể để nuôi cá. Hiện anh Thành đã xây dựng được 16 bể lớn nhỏ với tổng diện tích 60 m2, nuôi nhiều loại cá cảnh, như: cá bảy màu, cá két panda, cá trân châu... Đến nay, mỗi tháng anh Thành xuất ra thị trường từ 3.000 - 4.000 con cá, tháng nhiều lên đến hơn 10.000 con. Khách hàng của anh không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác, như: Lâm Đồng, Đồng Tháp, Kiên Giang... Từ việc phải nhập cá giống, hiện tại mô hình của anh đã tự cung cấp giống, qua đó mang lại lợi nhuận khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2022 khi mô hình nuôi cá cảnh đã ổn định, anh Thành được Huyện Đoàn Ea Súp hỗ trợ 20 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp để phát triển thêm mô hình nuôi ốc táo. Anh Thành chia sẻ: “Bản thân đi thực tế ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thấy người dân nơi đây kinh doanh ốc táo mang lại lợi nhuận cao, loại ốc này ăn khá ngon, lại vừa có thể làm cảnh. Hiện tôi chỉ mới nuôi thử nghiệm, nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng”. Anh Thành cho biết thêm, tương lai sẽ mở rộng quy mô và phát triển thêm nhiều loại cá cảnh, đồng thời nhân rộng mô hình nuôi ốc táo. Anh cũng đang tập trung vào phát triển thêm mô hình trồng các loại cây cảnh tại nhà.

Anh Phạm Ngọc Thành được huyện Đoàn Ea Súp hỗ trợ vốn khởi nghiệp.

Chị Lê Thị Thắm, Bí thư Đoàn xã Ea Lê nhận xét, anh Phạm Ngọc Thành là một trong những thanh niên mạnh dạn với hướng phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, với vai trò Bí thư Chi đoàn thôn 3, anh rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên và các hoạt động của địa phương. Bản thân anh cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của mình và vận động các đoàn viên khác cùng phát triển kinh tế.

Hoài Thương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.