Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo khởi nghiệp từ trà dược liệu

08:10, 03/11/2022

Chị Dương Thị Thơm (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) là giáo viên dạy môn Toán tại một trường THPT ở xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn). Trong quá trình đi dạy tại đây, chị thấy người dân địa phương thường trồng xen mãng cầu xiêm, bí đao, đu đủ đực, khổ qua rừng… trong rẫy cà phê.

Đây đều là những loại cây dễ trồng, thậm chí mọc dại nhưng lại có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc, bình ổn huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ung thư... Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch, người dân chủ yếu bán tươi hoặc phơi khô thủ công nên sản phẩm chỉ để được trong thời gian ngắn, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Với mong muốn tạo ra được sản phẩm tinh chế giúp người dùng để được lâu và tiện lợi hơn khi sử dụng, chị Thơm đã ấp ủ ý định sản xuất, chế biến trà từ nông sản và dược liệu.

Chị Dương Thị Thơm sử dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương để sản xuất trà dược liệu.

Năm 2018, sau khi tìm hiểu về nhu cầu thị trường, nguồn cung nguyên liệu và nghiên cứu cách chế biến trà, chị Thơm bắt tay hiện thực hóa ý tưởng của mình. Sản phẩm đầu tiên chị thử nghiệm làm là trà mãng cầu. Chị thu mua quả mãng cầu xiêm của bà con tại các buôn làng ở huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột... về làm trà; đồng thời mua một chiếc lò sấy nhỏ để làm khô nguyên liệu. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, không căn chỉnh được độ dày mỏng khi sấy và nhiệt độ rang nên lát mãng cầu thường bị đen hoặc cháy vàng buộc chị phải đổ bỏ. Phải mất gần một năm tự học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm, chị mới hoàn thiện được công thức làm trà mãng cầu đạt chất lượng.

Những mẻ trà đầu tiên làm ra, chị Thơm mang biếu bạn bè, người thân dùng thử. Ngoài ra, chị còn đăng bán trên mạng xã hội và tìm đến các cửa hàng dược liệu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để chào hàng. Nhờ trà thơm ngon, đạt chất lượng nên được khách hàng đánh giá cao, số lượng đơn hàng đặt mua trà của chị ngày càng tăng. Thành công với sản phẩm đầu tay, chị Thơm có thêm động lực tiếp tục tìm hiểu và chế biến thêm các loại sản phẩm khác: trà bí đao, trà hoa đu đủ đực, trà khổ qua rừng…

Chị Dương Thị Thơm giới thiệu sản phẩm trà dược liệu cho khách hàng.

Từ đầu năm 2020, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà xưởng rộng 50 m2, mua sắm thêm máy móc, thiết bị  (máy cắt, máy sấy, máy sao) để phục vụ cho việc sản xuất và bảo đảm chất lượng tốt nhất cho sản phẩm trà. Hiện tại, trung bình mỗi tháng chị cung cấp ra thị trường và bỏ mối cho các cửa hàng dược liệu tại TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... từ 250 - 300 kg trà các loại. Với giá bán dao động từ 200 - 500 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Việc sản xuất trà không chỉ đem lại cho chị nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Chị Thơm dự định trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng dưới dạng trà túi lọc thì chị sẽ liên kết với nông dân xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng đầu vào cho sản phẩm; góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.