Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP

08:11, 15/11/2022

Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, phát huy lợi thế của địa phương, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được các hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn huyện Krông Bông tích cực tham gia.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề làm chả, hộ kinh doanh anh Lê Hùng (thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền) sản xuất đa dạng các loại chả, như: chả lụa, chả bò, chả da, chả quế…; tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được nhiều người biết đến, chủ yếu cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện.

Để gia tăng giá trị sản phẩm, năm 2020, gia đình đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm "Chả lụa Hùng Tý". Cuối năm 2021, sản phẩm của gia đình anh Hùng đã đạt Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đã tạo nhiều cơ hội cho việc tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó gia đình không chỉ liên kết được với các nhà hàng trên địa bàn huyện mà "Chả lụa Hùng Tý" còn được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Buôn Ma Thuột và cung cấp cho khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng… ”, anh Hùng chia sẻ.

Đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh đã tạo đà phát triển cho sản phẩm "Chả lụa Hùng Tý" của hộ anh Lê Hùng.
 

Huyện Krông Bông hiện đã có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, gồm: Gạo sạch Thăng Bình, Cơm cháy Su Su; Chả lụa Hùng Tý. Trên địa bàn huyện đang có 18 sản phẩm tiềm năng, đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tham mưu UBND huyện chủ động kiểm tra, đánh giá chất lượng OCOP các sản phẩm để chuẩn bị tốt, tạo thuận lợi cho việc đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh”.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực

Nhằm hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn liên kết sản xuất, cải thiện thu nhập, cuối năm 2020, chính quyền xã Dang Kang đã vận động thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hoa Hướng Dương (HTX) với 10 thành viên, chủ yếu tập trung kinh doanh, sản xuất sản phẩm trà hoa hòe, trà gừng và tinh bột nghệ.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc HTX, ngoài việc tự trồng trọt, sản xuất, HTX còn thu mua sản phẩm được trồng hữu cơ của người dân trên địa bàn. Trong đó, HTX chú trọng phát triển sản phẩm trà hoa hòe.

Nhờ đảm bảo sạch từ khâu trồng, thu hái đến đóng gói và được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, rang khô bằng bếp củi đã giúp trà có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, đặc trưng. Hơn thế, trà còn giúp điều trị các bệnh, như: mất ngủ, huyết áp cao, thanh nhiệt, giải độc… nên được khách hàng ưa chuộng. Hiện trên địa bàn xã có 10 ha trồng cây hòe, tạo nguồn nguyên liệu sẵn ổn định để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Để phát huy thế mạnh địa phương, cùng với sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, sản phẩm trà hoa hòe của HTX đang hoàn thành hồ sơ chứng nhận an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn hiệu, không ngừng nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất để hướng đến đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.

Sản phẩm cơm cháy Su Su đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh tham gia trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực cho biết, Chương trình OCOP là cơ hội giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn huyện đẩy mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Để nâng cao chất lượng cũng như tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng, Phòng NN-PTNT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý điều hành chương trình và hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng những tiêu chí cho sản phẩm để đạt chuẩn OCOP; tích cực tham gia các chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.