Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn tuổi trẻ khởi nghiệp

07:03, 13/11/2022

Không chỉ xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã góp sức trẻ để lan tỏa, phát triển phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp.

Phát huy sức trẻ

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 436.895 thanh niên/2,127 triệu dân. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thanh niên các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã phát huy sức trẻ, nỗ lực làm giàu trên chính quê hương mình. Nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp, lập nghiệp thành công.

Một trong số đó là anh Y Pốt Niê (SN 1988) ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Vốn là một bác sĩ đa khoa, song anh đã rẽ hướng, khởi nghiệp với cây cà phê và thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café. Công ty của anh Y Pốt vừa chế biến, phân phối cà phê bột, vừa thu mua cà phê của người dân trong buôn. Đến nay, anh đã liên kết với 100 hộ dân canh tác cà phê hữu cơ, trung bình mỗi năm xuất bán 150 tấn cà phê bột. Sản phẩm cà phê bột của công ty cũng đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Anh Y Pốt cho hay, chọn khởi nghiệp từ cây cà phê vì bản thân sinh ra, lớn lên giữa bạt ngàn cà phê, cũng chính cây cà phê đã mang lại nguồn thu nhập chính nuôi anh học đại học. Dù là bác sĩ, song anh trăn trở vì bà con buôn làng mình bán cà phê với giá thấp trong khi đầu tư vốn và công sức khá nhiều. Từ đó, anh Y Pốt ấp ủ phương cách giúp bà con bán được cà phê giá tốt hơn. Khởi nghiệp thành công, anh nhận được sự ghi nhận, khen thưởng của nhiều cấp, ngành trong tỉnh và Trung ương. Mới đây, anh được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, đó là động lực để anh tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tại Tỉnh Đoàn.

Đang có công việc ổn định tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Pắc, năm 2018, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sơn (SN 1992, ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) quyết định xin thôi việc để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp từ việc chế biến trà mãng cầu. Để làm được loại trà này, anh đến Lâm Đồng học hỏi về các loại trà truyền thống, sau đó về nghiên cứu, mày mò thử nghiệm. Với khoản tiền 60 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, người thân, anh mua các thiết bị máy móc, cùng một số nguyên liệu để làm thử nghiệm. Là dân "tay ngang", anh đã mất khoảng 5 – 6 tháng, làm hỏng khoảng 1 tấn quả mãng cầu tươi mới tìm được công thức chuẩn cho loại trà của mình.

Khi sản phẩm đã hoàn thiện, bất cứ nơi nào có hội chợ, triển lãm anh Sơn đều tham gia với mục tiêu mời khách dùng thử sản phẩm để giới thiệu. Cùng với đó, anh tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, cuộc thi thanh niên nông thôn khởi nghiệp của Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao... Sau hơn bốn năm, đến nay anh Nguyễn Văn Sơn đã là ông chủ của Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods khi tự nghiên cứu làm ra sản phẩm trà mãng cầu. Không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, doanh thu ước khoảng hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.

Bí thư Tỉnh Đoàn H Giang Niê trao vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho thanh niên huyện Ea H'leo.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Cao Thi (SN 1995, ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) cũng từ bỏ công việc ổn định ở Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VINECO (Lạc Dương, Lâm Đồng) về quê nhà khởi nghiệp. Năm 2020, chị vay vốn cùng nhóm bạn thực hiện mô hình trồng ớt an toàn xuất khẩu với diện tích 6 ha ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhờ những kiến thức từ giảng đường đại học và kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đi làm trước đó của chị nên cây ớt được chăm sóc phát triển tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch thì dịch COVID-19 bùng phát, không tiêu thụ được. "Khi ấy mình bất lực nhìn thành quả lao động mất trắng, ôm khoản nợ 1 tỷ đồng", chị Thi nhớ lại.

 

Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên đã lan tỏa từ thành phố đến các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công đã đưa nông sản địa phương vươn tầm thế giới, tạo việc làm cho người dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".

 
Anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh.

Không từ bỏ ước mơ khởi nghiệp, tháng 9/2021, vợ chồng chị lại vay mượn tiền đầu tư trồng 4.000 m2 ớt ở huyện Buôn Đôn. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị cùng chồng đã nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, kết quả khá khả quan. Đến nay, vợ chồng chị đã phát triển diện tích trồng ớt lên hơn 5 ha, sản xuất theo hướng VietGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong tương lai chị dự định sẽ nhân rộng diện tích canh tác ớt, góp phần đưa cây ớt trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện Buôn Đôn.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như: tổ chức đối thoại với thanh niên; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tuyên dương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu... Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng chuyên môn, kết nối việc làm, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên.

Về phía Tỉnh Đoàn, từ năm 2019 đến 2022 đã hỗ trợ 15 dự án thanh niên khởi nghiệp từ nguồn vốn vay khởi nghiệp, với tổng giá trị 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn tận dụng các nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế. Tổ chức Đoàn, Hội các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trưng bày, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ thành lập mới các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên.

Bí thư Huyện Đoàn Ea H’leo Lê Ngọc Tuân cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức ngày hội việc làm, giới thiệu việc làm cho hơn 600 đoàn viên, thanh niên; tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ 9 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Huyện Đoàn cũng kêu gọi các nguồn xã hội hóa trao 1.000 cây dổi giống, 18 con dê giống và tiền làm chuồng trại cho 40 hộ gia đình thanh niên khó khăn. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục tham mưu và tạo điều kiện về nguồn vốn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; phát huy Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi để tạo sân chơi, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.

Đoàn viên, thanh niên tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đánh giá: Trong phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay, đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích. Thanh niên các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, mô hình hay, xây dựng được doanh nghiệp thành công, có tiếng tăm, từ đó đã thúc đẩy phong trào sáng tạo, khởi nghiệp gắn với kinh tế số, chuyển đổi số.

Khả Lê - Hoài Thương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.