Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc đầu tư

08:24, 07/11/2022

Để phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có về mọi mặt, một trong những giải pháp mà tỉnh Đắk Lắk luôn đặt ra đó là kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mũi đột phá

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu: huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Với mục tiêu đó, một trong ba đột phá của nhiệm kỳ là tỉnh tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Thực tế, trong những năm qua, tỉnh luôn khẳng định mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và trở thành động lực phát triển của tỉnh. Trong đó, tỉnh đặt trọng tâm vào các nội dung cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Dự án Điện gió Ea Nam của Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam đầu tư xây dựng tại huyện Ea H'leo. Ảnh: Minh Thông

Môi trường đầu tư được bảo đảm sự ổn định, nhất quán, theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Tất cả các doanh nghiệp đều được bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực về vốn, tài nguyên, đất đai và  đầu tư hạ tầng.

Nói thẳng, làm thật

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, có 100 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư nhiều tiềm năng như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Xuân Thiện, Công ty Cổ phần tập đoàn T&T… Tỉnh đã tiếp nhận 85 hồ sơ dự án thực hiện thủ tục đầu tư, trong đó UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư/phê duyệt kết quả trúng đấu giá cho 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 11.198,77 tỷ đồng, tăng 849,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng vốn đầu tư đăng ký tăng so với cùng kỳ năm 2021 là do trong năm 2022 tỉnh đã thu hút được dự án Nhà máy điện mặt trời nổi KN Sêrêpốk 3 của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sêrêpốk 3 với tổng vốn đăng ký 7.661,093 tỷ đồng và dự án Khu phức hợp nhà ở thông minh kết hợp trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai 1.907 tỷ đồng.

Qua thực tế trên cho thấy số lượng các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tiếp tục tăng, do môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện. Những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế… làm tăng thêm lượng vốn đầu tư vào tỉnh.

 Nhiều doanh nghiệp khi đến địa bàn tỉnh đã thực lòng với quyết tâm đầu tư lâu dài. Rõ ràng, với tinh thần “nói thẳng làm thật”, tỉnh và các nhà đầu tư ngày càng hiểu biết nhau, tăng cường chia sẻ, kết nối thông tin để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án. Quan điểm, chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư đã rất rõ ràng, với việc liên tục gỡ khó, có những giải pháp quyết liệt, cần thiết để có thể tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước có tiềm lực tài chính tham gia vào các dự án. Các sở, ngành chức năng, địa phương ngày càng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện vai trò của mình khi thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến với tỉnh.

Vì vậy, cùng với rà soát những bất cập trong chính sách, thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, môi trường… để điều chỉnh, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để bổ sung đầy đủ các thông tin để khi nhà đầu tư đăng ký thì có thể cấp chủ trương đầu tư ngay. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư đến kết quả cuối cùng, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.